Nhiệt huyết với "nghề"… Trưởng thôn
BHG - Sau khi nghỉ chế độ hưu, trở về địa phương, ông Lê Văn Anh, thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) được nhân dân trong thôn tín nhiệm bầu giữ chức Trưởng thôn. Với tinh thần nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc, ông tiếp tục dành nhiều thời gian, trí tuệ, nhiệt huyết cho nhiệm vụ mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Trưởng thôn Bản Tùy, xã Ngọc Đường, Lê Văn Anh kiểm tra hình hình sâu bệnh hại lúa trên địa bàn thôn. |
Sinh ra trên miền đất Tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), sau khi tốt nghiệp Trường Sỹ quan Lục quân, ông Lê Văn Anh đã bén duyên với vùng cao Hà Giang khi được trực tiếp cầm súng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc. Kết thúc cuộc chiến đấu, ông được bố trí làm giáo viên tại Trường Quân sự tỉnh Hà Giang. Hơn 30 năm công tác trong lực lượng vũ trang, ông Lê Văn Anh có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng tỉnh nhà. Với những cống hiến đó, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huy chương Quân kỳ quyết thắng và Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Sau thời gian công tác, trở về địa phương, đầu năm 2020, với sự tín nhiệm của người dân, ông Lê Văn Anh được bầu làm Trưởng thôn Bản Tùy. Ông chia sẻ: Là cán bộ hưu trí, nên trong thời gian đầu bước vào “nghề”, tôi phải đối diện không ít khó khăn, bỡ ngỡ, nhất là trong công tác chỉ đạo nhân dân phát triển kinh tế, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tổ chức tang lễ; hòa giải các vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trên địa bàn thôn…
Song, vững tâm thế của người cán bộ, đảng viên “nói đi đôi với làm”, tinh thần cầu thị, không phụ sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân, ông Lê Văn Anh luôn cố gắng để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Nhằm thực hiện tốt vai trò này, ông thường xuyên bám, nắm các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên để triển khai, thực hiện. Đồng thời, dành nhiều thời gian trao đổi công việc với các đảng viên trong chi bộ; “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tự học hỏi, bổ sung kiến thức về các lĩnh vực, nhất là các vấn đề liên quan đến xây dựng và phát triển của thôn. Đặc biệt, ông tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong thôn chuyển đổi trồng giống lúa có năng suất, chất lượng cao; trồng, chăm sóc các diện tích rừng gỗ lớn; duy trì, nâng cao chất lượng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Bản Tùy; chú trọng phát triển thương hiệu bánh Chưng gù; vận động các chủ homestay kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại… Nhờ đó, hơn 1 năm qua, thôn đã đạt nhiều kết quả quan trọng, diện mạo ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Nổi bật như, thôn đã làm mới được 700 mét kênh mương bê tông, nạo vét 3 km mương nội đồng, trồng mới hơn 24 ha rừng sản xuất, thôn không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 34 triệu đồng/năm…
Không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm, với vai trò Trưởng thôn, ông Lê Văn Anh còn gương mẫu trong phát triển kinh tế. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng với ông, còn sức khỏe là còn lao động; vừa có thêm thu nhập lại có kinh nghiệm thực tiễn để tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế. Hiện nay, gia đình ông đang duy trì nuôi 12 con cầy Vòi hương thương phẩm (đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép). Thời điểm này, với giá bán khoảng 1,7 triệu đồng/kg thịt thương phẩm, mỗi năm đem lại nguồn thu cho gia đình ông hơn 100 triệu đồng. Từ kinh nghiệm thực tiễn của mình, ông luôn sẵn sàng chia sẻ cách chăn nuôi cho các hộ dân khác trong thôn nhằm giúp nhau vươn lên làm giàu chính đáng.
Bên cạnh vai trò là Trưởng thôn Bản Tùy, ông Lê Văn Anh còn giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ngọc Đường. Dù ở cương vị nào, ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, được cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Đường ghi nhận, đánh giá cao.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc