Quyết tâm chấm dứt bệnh AIDS
BHG - Thực hiện Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, tỉnh ta đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm, giảm tối đa tác động của dịch HIV/AIDS đến sự phát triển KT-XH.
Nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tuyên truyền cho phụ nữ có thai về lợi ích của xét nghiệm HIV, phòng ngừa lây truyền từ mẹ sang con. |
HIV/AIDS là vấn đề sức khỏe cộng đồng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có lũy tích người nhiễm HIV là 1.685, trong đó số người nhiễm còn sống và được quản lý là 693 người. Dịch bệnh xuất hiện ở 11 huyện, thành phố với 131 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Thực tế, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy đã giảm và chuyển sang lây nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Đồng thời, người nhiễm là đồng bào dân tộc thiểu số có xu hướng tăng mạnh và có độ tuổi trẻ từ 20-39 chiếm tới 73%. Mặt khác, tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm trên địa bàn tỉnh có nhiều tiềm ẩn, khó quản lý. Cùng với sự phát triển của KT-XH, Hà Giang thu hút nhiều lao động tự do; số lao động làm việc tại vùng biên và các thành phố lớn tiếp xúc nhiều với nhóm nguy cơ cao, dễ bị lây nhiễm HIV trong cộng đồng… Đây là những khó khăn, thực trạng đặt ra đối với các cấp, ngành trong tăng cường thực hiện các giải pháp hữu hiệu.
Đồng chí Phạm Thị Kim Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030, ngành Y tế đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống nhằm khống chế tỷ lệ lây nhiễm HIV tại cộng đồng. Trong đó, mở rộng, đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV; nâng cao tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV. Nổi bật, hoạt động truyền thông thay đổi hành vi được triển khai dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng đã nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi thái độ, giảm phân biệt kỳ thị đối với người nhiễm HIV. 90% người nghiện chích ma túy và nhân viên nhà hàng, khách sạn được tiếp cận với các chương trình dự phòng miễn phí. Bên cạnh đó, công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được đẩy mạnh tại 5 cơ sở với 296 người điều trị, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh. Hàng năm, trên 60% phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, 96,2% phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Cùng với đẩy mạnh các hoạt động dự phòng, công tác giám sát, tư vấn xét nghiệm được mở rộng với hệ thống xét nghiệm HIV sàng lọc tại tuyến huyện và duy trì 1 phòng xét nghiệm khẳng định HIV. Đồng thời, nhóm giải pháp về tư vấn, xét nghiệm HIV đã có sự đa dạng hóa, hoạt động xét nghiệm HIV trong cơ sở y tế và xét nghiệm lưu động tại cộng đồng được mở rộng. Có nhiều kỹ thuật mới trong sinh phẩm xét nghiệm, phương pháp lấy mẫu đã được áp dụng nhằm nâng cao chất lượng xét nghiệm, phát hiện sớm trường hợp dương tính với HIV để triển khai các biện pháp can thiệp phù hợp. Đồng thời, mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị tại tuyến xã, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại nhà và cộng đồng. Đến nay, có 87,6% số người nhiễm và 100% người nhiễm mới được điều trị bằng thuốc ARV…
Trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch HIV/AIDS, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã lãnh đạo tốt đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ưu tiên dành nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; lồng ghép các mục tiêu vào kế hoạch y tế và chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo, các cấp, ngành đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch về phòng, chống HIV/AIDS gắn với quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, đẩy mạnh các giải pháp trong Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng tập trung ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng bằng việc làm tốt công tác phòng, chống ma tuý, mại dâm. Trong đó, tăng cường quản lý địa bàn, xây dựng địa phương lành mạnh không có tệ nạn. Tập trung lực lượng, chỉ đạo triệt phá các đường dây, tổ chức tội phạm ma tuý, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về an ninh, trật tự… Đến nay, toàn tính có 62 xã, phường, thị trấn không có người nhiễm HIV/AIDS.
Có thể khẳng định, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận: Các giải pháp được triển khai toàn diện, rộng khắp và hiệu quả; số người nhiễm HIV mới phát hiện, số người tử vong do HIV/AIDS liên tục giảm qua các năm. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành và của toàn dân trong công tác phòng, chống HIV/ AIDS. Đẩy mạnh tuyên truyền can thiệp giảm tác hại, tư vấn, chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS, cai nghiện ma tuý, xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh từ mỗi gia đình…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc