Đừng để khi hiểu ra thì đã quá muộn
BHG - Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe là điều mà ai cũng biết. Không những hại sức khỏe của chính bản thân người hút mà còn hại sức khỏe của những người xung quanh, gây ra nhiều loại bệnh nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hoàng Văn Tài thăm, khám cho bệnh nhân Giàng Mờ Chéng bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. |
Thuốc lá có hàm lượng Nicotin cao - là chất gây nghiện mạnh, làm tăng nhịp tim, mức hô hấp, huyết áp, kích thích khu vực khoái cảm của não làm tăng cảm giác hưng phấn, khiến người hút phụ thuộc vào thuốc lá, từ đó dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Trong khói thuốc lá có chứa hơn 7.000 loại hóa chất, trong đó, ít nhất 250 loại hóa chất có hại cho sức khỏe và khoảng 70 loại hóa chất có thể gây ung thư, đột biến và độc tố. Hút thuốc gây ô nhiễm không khí.
Người lớn tiếp xúc với khói thuốc có tác động xấu ngay lập tức đến hệ tim mạch và có thể gây ra bệnh tim mạch vành và ung thư phổi. Bệnh tim, đột quỵ và các vấn đề về tuần hoàn máu, tim mạch, chẳng hạn như bệnh tim và đột quỵ. Nhất là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Đặc biệt là ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em, khi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng kém nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi những tác hại do khói thuốc đem lại và là nguyên nhân gây nên nhiều loại bệnh tật nguy hiểm.
Bác sĩ Hoàng Văn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và bệnh Phổi tỉnh cho biết: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh về phổi rất cao, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận những bệnh nhân trong tình trạng ho, khó thở, khạc đờm nhiều do tiền sử bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nguyên nhân do nghiện thuốc lá nhiều năm. Để giảm thiểu số người hút thuốc lá, tuyên truyền tác hại của khói thuốc đối với sức khỏe ở mỗi phòng bệnh đều dán hình ảnh lá phổi nhiễm độc do hít phải khói thuốc, quanh bệnh viện đều treo pano, áp phích. Ngoài ra, hướng dẫn bệnh nhân cách bỏ thuốc lá và tập thể dục, thể thao hàng ngày.
Ông Giàng Mờ Chéng, 78 tuổi, xã Quyết Tiến (Quản Bạ), một bệnh nhân bị phổi tắc nghẽn mãn tính cho biết, ông hút thuốc từ khi mới 16-17 tuổi, lúc đó hút theo trào lưu rồi nghiện lúc nào không biết. Khi đi bộ đội thì ông càng hút nhiều, cho đến khi xuất ngũ vẫn hút. Lúc đó không có thuốc lá là thấy khó chịu nên hầu như ngày nào ông cũng hút 5-7 điếu. Đến khi ngoài 40 tuổi, sức khỏe bắt đầu có những biểu hiện bất thường, chức năng hô hấp kém dần, ông phát hiện mình bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và bắt buộc phải bỏ thuốc lá. Ban đầu ông cũng chần chừ, vì nghiện thuốc lâu rồi, không hút thì người khó chịu, nhưng đến lúc bệnh phổi tắc nghẽn tái phát, ông không thở được, gia đình phải đưa đi cấp cứu, ông mới quyết tâm bỏ. Ông cho biết thêm, từ khi bỏ thuốc lá thấy mình khỏe mạnh hơn, tinh thần lạc quan, thoải mái. Các vấn đề về hô hấp, huyết áp hay tim mạch đều ổn định hơn. Nghe theo lời khuyên của bác sĩ, mỗi ngày ông đều tập thể dục nhẹ nhàng.
Chị Lý Thị Nụ, phường Minh Khai, thành phố Hà Giang cho biết: “Trong gia đình có chồng và bố chồng hút thuốc lá, khói thuốc ám vào đồ đạc, bàn ghế mùi rất khó chịu. Từ khi nhà có trẻ con, bố chồng và chồng không hút trong nhà mà ra ngoài hút, tuy nhiên không thể hết được khói thuốc lá. Thuốc lá ám vào quần áo, qua hơi thở và miệng chính vì vậy rất ảnh hưởng đến sức khỏe con nhỏ. Từ nhỏ, con chị hay bị viêm mũi, sổ mũi, một lần bị nặng phải vào viện, nghe bác sĩ hỏi nhà có ai hút thuốc không, chồng tôi và bố chồng mới ngớ người kể từ đó mới bỏ thuốc. Từ khi bỏ thuốc, chồng tôi không còn mệt mỏi, khó chịu trong người, bố chồng không thấy khó thở, sức khỏe ngày càng tốt, trong nhà cũng không còn mùi ám thuốc lá”.
Thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần phải từ bỏ thuốc lá. Việc bỏ thuốc lá phụ thuộc chính vào sự quyết tâm của bản thân người hút. Thiết lập môi trường không có khói thuốc lá là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người, để bảo vệ sức khỏe của bản thân cũng như cả cộng đồng.
Bài, ảnh: Khánh Huyền
Ý kiến bạn đọc