Biến vật liệu cũ thành đồ dùng học tập ở Trường Mầm non Tân Trịnh
BHG - Với đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú và tấm lòng yêu trẻ, các cô giáo Trường Mầm non Tân Trịnh, xã Tân Trịnh (Quang Bình) đã tỉ mỉ biến những vật liệu cũ để tạo ra những đồ dùng học tập, đồ chơi giúp trẻ thỏa sức khám phá thế giới. Việc làm này mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giúp nhà trường đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; ngoài ra, tạo niềm vui, hứng thú cho trẻ ở bậc học Mầm non.
Dạy cách phát âm tiếng Việt cho trẻ qua đồ dùng, đồ chơi tự tạo. |
Từ những nguyên vật liệu cũ như: Len, xốp, vải dạ, vỏ lon bia, bìa cát tông… Các cô giáo Trường Mầm non Tân Trịnh thu lượm, góp nhặt để làm nên những đồ dùng, đồ chơi an toàn, không gây độc hại cho trẻ, giúp bảo vệ môi trường và phục vụ cho các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả; giải pháp hữu hiệu cho khâu thiết kế đồ dùng dạy học của nhà trường. Các con vật, củ quả, đồ dùng học tập… được các cô giáo nghiên cứu, sáng tạo, tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ, công đoạn cắt, dán. Mong muốn mang đến cho trẻ những trải nghiệm đầy lý thú, các cô giáo làm việc miệt mài, hăng say, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa và ngày nghỉ để thổi hồn vào từng sản phẩm. Không chỉ tự sáng tạo, tự làm, các cô giáo còn hướng dẫn, lôi cuốn trẻ cùng tham gia bằng các gợi ý tự chọn màu sắc, hướng dẫn thao tác và cách làm ra các đồ dùng, đồ chơi gần gũi, quen thuộc với cuộc sống hàng ngày của trẻ. Đây cũng là cách giáo dục giúp trẻ biết yêu quý lao động, biết tiết kiệm từ nhỏ, bảo vệ môi trường sinh thái; hoạt động này cũng giúp trẻ bộc lộ tư duy, trí tưởng tượng và khơi nguồn sáng tạo, hình thành nhân cách ngay từ khi còn nhỏ, những chủ nhân tương lai của đất nước.
Trên thị trường hiện nay, có nhiều đồ chơi Trung Quốc độc hại và thiếu an toàn, mang tính bạo lực, dễ gây ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý của trẻ nên sự sáng tạo của các cô giáo được phụ huynh học sinh nhiệt tình ủng hộ. Các đồ dùng, đồ chơi đều được làm theo các chủ đề giúp trẻ làm quen với trò chơi dân gian, học tập, vận động. Việc nhân rộng làm đồ dùng dạy học, đồ chơi tự tạo cũng là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, cũng như cách khơi dậy tinh thần sáng tạo, lòng yêu nghề của các cô giáo. Việc tận dụng lại các vật liệu cũ giúp nhà trường tiết kiệm được chi phí 20 triệu đồng/năm.
Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Trịnh, Ma Thị Thanh Tâm, cho biết: Đa số trẻ là dân tộc thiểu số, thông qua các đồ chơi tự tạo, giúp rèn luyện khả năng phát âm để cung cấp tăng cường vốn tiếng Việt cho trẻ; ngoài ra, đồ chơi là những chất xúc tác tạo hứng thú cho trẻ tham gia các hoạt động trải nghiệm và phát huy kiến thức của trẻ. Các đồ dùng, đồ chơi giúp trẻ được tiếp xúc qua các mô hình mô phỏng sự vật, củng cố kiến thức đã học; đồng thời, tiết kiệm được chi phí cho nhà trường phục vụ cho việc dạy và học tốt hơn. Các bộ đồ dùng học tập thể hiện sự sáng tạo của giáo viên trong cách làm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ bậc Mầm non.
Ý kiến bạn đọc