Hoàng Su Phì trao "cần câu" cho lao động nông thôn
BHG - Thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo Đề án 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì thực hiện nhiều giải pháp nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề, nâng cao chất lượng lao động (LĐ). Qua đó, nhiều LĐ nông thôn đã có việc làm, thu nhập ổn định, đời sống vật chất được nâng lên.
Sau khi đi lao động ngoài tỉnh anh Đặng Văn Thành, thôn Nậm Lỳ, xã Bản Luốc đã dựng được ngôi nhà khang trang. Trong ảnh: Cán bộ xã đến thăm gia đình anh Đặng Văn Thành. |
Hoàng Su Phì là huyện biên giới phía Tây của tỉnh, có 13 dân tộc cùng chung sống với nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác lao động, giải quyết việc làm và triển khai kịp thời đến các xã, thị trấn; thực hiện có hiệu quả các chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm nhằm ổn định kinh tế nâng cao thu nhập cho người LĐ nông thôn.
Thông qua khảo sát thực trạng nguồn lao động tại địa phương và tìm hiểu nhu cầu học nghề của người LĐ, UBND huyện tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền về các ngành, nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cũng như những ngành, nghề đang hiện hành. Chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên của huyện nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề thông qua các lớp học, đào tạo nghề. Căn cứ nhu cầu thực tế của người lao động, Trung tâm tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, dạy các nghề ngắn hạn như: Xây dựng dân dụng, chăn nuôi gia súc, nuôi ong lấy mật, sửa chữa máy nông nghiệp, đan lát thủ công, thêu dệt thổ cẩm, khai thác mỏ,… giúp người LĐ nâng cao kiến thức.
Với phương châm tạo điều kiện tốt nhất cho học viên, cơ sở dạy nghề bố trí giáo viên giảng dạy trực tiếp tại trung tâm hoặc trực tiếp giảng dạy tại các xã, thôn trên địa bàn. Trong quá trình giảng dạy đã hình thành các mô hình tương ứng để học viên thực hành. Nhờ vậy, nhiều LĐ nông thôn đã nâng cao được kiến thức nông nghiệp, biết áp dụng KHKT trong sản xuất. Đến nay, tổng số lao động được giải quyết việc làm trên địa bàn huyện là 6.116 người, đạt 101,2% kế hoạch đề ra.
Bên cạnh giải quyết việc làm trong nước, huyện còn quan tâm tới công tác xuất khẩu lao động. Tổ chức hội nghị bàn giải pháp đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động và đưa lao động địa phương làm việc ngoài tỉnh; phối hợp với Công ty Cổ phần Thuận An BMC - Hà Nội tổ chức tuyển dụng giới thiệu việc làm cho LĐ nữ đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út, Đài Loan... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới LĐ nông thôn về những chính sách hỗ trợ LĐ xuất khẩu, có nguồn thu nhập ổn định khi đi LĐ xuất khẩu. Nhờ vậy, người LĐ nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác về các cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh, lợi ích của việc đi xuất khẩu lao động, tiếp cận các chương trình về xuất khẩu lao động... Qua đó đã có 94 LĐ đi xuất khẩu lao động.
Có thể thấy, công tác đào tạo nghề của huyện Hoàng Su Phì đã đáp ứng được nhu cầu của người lao động; ngành nghề đào tạo đa dạng, phong phú. Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người LĐ huyện Hoàng Su Phì chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số với tâm lý ngại đi xa gia đình; hạn chế về trình độ học vấn, tay nghề và tác phong công nghiệp; đa số người LĐ ở vùng nông thôn nên khó khăn về tài chính…
Để khắc phục và nâng cao chất lượng cho LĐ nông thôn, UBND huyện Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của chính quyền cơ sở và người dân nhằm tạo sự chuyển biến, thay đổi thói quen, tập quán ngại đi làm việc xa nhà; lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, gắn với thực hiện chính sách việc làm; phát triển các mô hình kinh tế, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh... để thu hút và giải quyết việc làm cho LĐ, nhất là LĐ nông thôn.
Bài, ảnh: Nguyễn Ngân
Ý kiến bạn đọc