Công bố số liệu thống kê KT – XH tỉnh năm 2020
BHG - Sáng 29.12, Cục Thống kê tỉnh tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê KT – XH tỉnh Hà Giang năm 2020. Tham dự có đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh; các cơ quan báo chí, thông tấn trung ương và địa phương.
Đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Giang thảo luận tại họp báo. |
Năm 2020, tỉnh ta thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH trong điều kiện đặc biệt khó khăn do dịch Covid – 19 tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội và tình hình phát triển kinh tế; thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại trên cây trồng, vật nuôi; một số cơ sở sản xuất công nghiệp bị phá hủy do sạt lở phải tạm dừng sản xuất… Với những khó khăn như vậy, mặc dù ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ nhưng đến nay nhiều lĩnh vực sản xuất có xu hướng giảm mạnh so với năm 2019. Cụ thể: Tăng trưởng kinh tế trên địa bàn năm 2020 ước đạt 1,69%, thấp hơn so với mục tiêu Nghị quyết và thấp hơn mức tăng 6,0% của năm 2019. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 2,54%, thấp hơn so với mục tiêu kỳ vọng. Khu vực công nghiệp – xây dựng cơ bản giảm 0,67% so với 2019. Khu vực dịch vụ có mức tăng thấp so với kế hoạch, đạt 2,64%. Tổng thu ngân sách địa phương năm 2020 ước đạt 16.538,9 tỷ đồng, trong đó thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 2.345 tỷ đồng.
Tính đến ngày 15.12.2020, toàn tỉnh xảy ra 31 đợt mưa lớn trên diện rộng gây thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Tổng thiệt hại do thiên tai trong năm 2020 khoảng 803 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực dân số và lao động, dân số trung bình toàn tỉnh năm 2020 ước 871.435 người, trong đó dân số khu vực thành thị chiếm 15,8%. Ước đến quý IV.2020 toàn tỉnh có 525.300 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, trong đó 523.170 người có việc làm, 2.130 người thất nghiệp. Trong năm đã giới thiệu việc làm thành công cho 1.506 lao động.
Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển KT – XH năm 2021, Cục Thống kê tỉnh đề xuất một số giải pháp chủ yếu như: Trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông, lâm sản. Lĩnh vực công nghiệp - xây dựng cơ bản tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh. Chú trọng phát triển du lịch – thương mại; đẩy mạnh các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; ưu tiên phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh huy động vốn, kiểm soát chặt chẽ, an toàn, hiệu quả hoạt động của hệ thống tín dụng…
Tin, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc