Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em
BHG - Phát huy quyền của trẻ em (TE) từ việc lắng nghe tiếng nói của trẻ; Hội đồng trẻ em (HĐTE) ra đời và đi vào hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy quyền tham gia của TE. Thông qua hoạt động của HĐTE các cấp và các câu lạc bộ dành cho TE đã tạo ra một diễn đàn để TE trên địa bàn tỉnh được bày tỏ quan điểm, nguyện vọng của mình.
Học sinh Trường Tiểu học xã Quyết Tiến (Quản Bạ) giới thiệu về góc học tập. |
Hàng năm, số TE bị tai nạn, thương tích và bị xâm hại còn nhiều; bởi công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại TE ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về thực hiện Luật TE và các quyền của TE; trong đó, chú trọng vai trò của gia đình và xã hội trong việc thúc đẩy quyền tham gia của TE; tạo điều kiện cũng như tháo gỡ khó khăn cho TE trên địa bàn tỉnh. HĐTE cấp tỉnh, huyện ra đời và đi vào hoạt động đã trở thành nơi để TE có thể bày tỏ quan điểm của mình về các vấn đề xã hội.
Với số lượng lớn trên 149 nghìn thiếu nhi và 19 nghìn đoàn viên trong trường học; đa số các em là dân tộc thiểu số; việc thúc đẩy quyền tham gia của TE mang lại ý nghĩa lớn trong công tác chăm sóc, giáo dục TE trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, Hội Đồng đội Trung ương và tổ chức Plan đã lựa chọn Hà Giang là một trong những tỉnh thí điểm xây dựng mô hình HÐTE theo Quyết định số 1235/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của TE vào các vấn đề về TE giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đã thành lập HĐTE cấp tỉnh gồm 45 em và HĐTE tại 2 huyện Mèo Vạc, Xín Mần. Tham gia hoạt động HĐTE, các em được các chuyên gia hỗ trợ về hoạt động truyền thông; tập huấn nâng cao năng lực cho HĐTE cấp tỉnh, huyện; tổ chức lấy ý kiến của TE trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị cho hoạt động tiếp xúc của HĐTE cấp tỉnh với Đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND tỉnh; tổ chức cho HĐTE đi tham quan một số công trình dành cho TE trên địa bàn tỉnh…
Theo lãnh đạo Tỉnh đoàn, HĐTE do Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thành lập, đối tượng là học sinh có độ tuổi từ 9 – 15 tuổi, đại diện cho TE các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Hội đồng Đội tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị xét chọn đối tượng thiếu nhi tiêu biểu tham gia mô hình thí điểm HĐTE các cấp. Đây là những đội viên tiêu biểu, xuất sắc trong các lĩnh vực: Học tập, hoạt động Đội, công tác xã hội, văn hóa - nghệ thuật; nhạy bén, có khả năng nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của đông đảo thiếu nhi. Bên cạnh đó, Hội đồng Đội tỉnh đã chỉ đạo Hội đồng Đội các huyện, thành phố phối hợp với Ban tham vấn gồm: Đại diện các cơ quan, ban, ngành, để thuận tiện cho việc đưa đón các em tham gia hoạt động của mô hình thí điểm; định hướng các em trong nắm bắt tình hình thiếu nhi trên địa bàn. Đặc biệt, mô hình sẽ do TE trực tiếp điều hành hoạt động với sự hỗ trợ của Ban tham vấn là các thành viên của Hội đồng Đội cùng ngành chức năng của địa phương. Để thể hiện quyền TE, các em được khuyến khích tự nói lên tiếng nói của mình, mạnh dạn chia sẻ, bày tỏ suy nghĩ của bản thân cho cha mẹ, thầy, cô hiểu và cảm thông.
HÐTE là một hướng đi mới trong tiến trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ, tạo môi trường bình đẳng để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị xuất phát từ cuộc sống và trong học tập, rèn luyện, vui chơi, giải trí. Ðồng thời, HÐTE sẽ phát huy vai trò là cầu nối giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến TE hoàn thiện quá trình xây dựng pháp luật, hoạch định chính sách và ra các quyết định về TE. Từ đó, ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác bảo vệ chăm sóc TE; quan tâm giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho TE; tập trung thực hiện việc phòng, chống bạo lực học đường, phòng, chống xâm hại TE.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc