Dân vận khéo thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
BHG - Thấm nhuần lời dạy của Bác “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm, triển khai hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Công an huyện Hoàng Su Phì tuyên truyền nhân dân xã Túng Sán tham gia tổ tự quản an ninh trật tự. |
Trên địa bàn tỉnh ta, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được triển khai đồng bộ trong hệ thống chính trị, với nội dung cụ thể, quy trình thống nhất, chặt chẽ. Đồng chí Nguyễn Việt Khánh, Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Ban Dân vận đã chủ động tham mưu cho BTV Tỉnh ủy ban hành các văn bản triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo từng giai đoạn. Nội dung các phong trào thi đua được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ chính trị của tỉnh như: “Dân vận khéo” trong lĩnh vực xây dựng Nông thôn mới; phát triển kinh tế; đảm bảo an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Chỉ đạo 100% các xã, phường thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở đăng ký triển khai, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về công tác dân vận; cổ vũ, động viên và nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu.
Xuất phát từ thực tiễn, mỗi địa phương, đơn vị có những cách làm riêng, sáng tạo, nhưng đều gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Do đó, nhiều mô hình đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia, như: Phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện” và “Ngày Chủ nhật xanh” của Đoàn Thanh niên; “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng Nông thôn mới”; “Làm đường đại đoàn kết” của huyện Xín Mần; “Ngày thứ 7 hướng về Nông thôn mới” của các huyện Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Quang Bình...
Qua 10 năm (giai đoạn 2009 – 2019) triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 6.848 mô hình và 9.954 điển hình được triển khai thực hiện ở các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, lĩnh vực phát triển kinh tế, xây dựng Nông thôn mới có số lượng mô hình “Dân vận khéo” đăng ký thực hiện nhiều nhất với 2.842 mô hình. Các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên quan tâm lãnh, chỉ đạo, vận động nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh ứng dụng KHKT, liên kết trong sản xuất. Qua triển khai thực hiện, nhiều địa phương có những cách làm hay, như mô hình trồng rau, trồng chè, cam theo hướng VietGAP, chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ, trồng cây dược liệu, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả… đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Đặc biệt, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng Nông thôn mới đã huy động sự tham gia của các tầng lớp nhân dân. Từ 2009 - 2019 đã nâng cấp làm mới 5.923 km đường giao thông nông thôn các loại; cải tạo, nâng cấp 1.398 phòng học; xây mới 774 nhà văn hóa thôn. Láng nền nhà cho 35.844 hộ; xây 31.313 nhà tắm, 38.259 nhà vệ sinh. Nhân dân hiến trên 3 triệu m2 đất, đóng góp 2.896.836 ngày công, ủng hộ trên 15 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng…
Với 827 mô hình, điển hình như: “Sinh hoạt chi bộ mẫu luân phiên tại các chi bộ thôn bản”; Diễn đàn“ Chiều thứ 6 nghe dân nói”; “Mỗi đoàn thể, mỗi tuần chọn một thôn, làm một việc”… đã góp phần rèn luyện đạo đức, lối sống, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền…
Có thể khẳng định, các phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực cho sự phát triển KT - XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG