Quản Bạ tạo việc làm cho người dân nông thôn
BHG - Mặc dù còn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, làm cho nhiều lao động trên địa bàn bị mất việc. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm nay, thực hiện nhiệm vụ kép, vừa lao động sản xuất vừa chống dịch; huyện Quản Bạ vẫn triển khai công tác giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trong trạng thái bình thường mới.
Người lao động huyện Quản Bạ tìm hiểu thông tin việc làm. |
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, huyện đã chủ động lên phương án và triển khai các giải pháp để phòng, chống dịch. Cùng với đó là đa dạng hóa, đổi mới hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động, dạy nghề cho người lao động trên địa bàn. Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Quản Bạ, Lê Thị Thủy, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn; các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để tuyên truyền, tư vấn cho lao động có nhu cầu đi lao động ngoài tỉnh và xuất khẩu lao động. Đến nay, đã giải quyết việc làm mới cho 867 người; trong đó, lao động đi làm việc ngoài tỉnh 680 người; xuất khẩu lao động 12 người, đi các nước: Nhật Bản; Đài Loan; Malaysia; Ảrậpxêút và làm việc tại địa phương 175 người“.
Anh Lù Văn Chinh, một lao động tại Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Hà, chia sẻ: Trước đây, nhà tôi thuộc diện nghèo, cuộc sống quanh năm chỉ làm nương rẫy lên thu nhập rất thấp. Học xong phổ thông, tôi không biết làm việc gì để kiếm tiền; nhờ được huyện tuyên truyền, tư vấn, tổ chức các ngày hội việc làm và có các doanh nghiệp đến tận địa phương tư vấn, giới thiệu việc làm; nên tôi đã quyết định đi làm tại công ty và đến nay có thu nhập khá phụ giúp gia đình.
Tuy nhiên trên thực tế, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động rất lớn tới thị trường lao động; hiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi số lao động thất nghiệp, tìm việc làm mới lại tăng cao. Chính vì vậy, ngoài thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào đào tạo nghề và giải quyết việc làm; huyện còn tổ chức kết nối giữa các trường, các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, đầu tư hỗ trợ và nhân rộng các mô hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm tại chỗ ở địa phương, đặc biệt là các làng nghề truyền thống.
Theo đó, Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người dân học các nghề phù hợp với thực tế của địa phương cũng như các chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước tới lao động nông thôn khi tham gia học nghề biết được quyền lợi của mình trong việc học nghề. Đến nay, toàn huyện đã mở được 6 lớp dạy các nghề: Xây dựng dân dụng, kỹ thuật dệt lanh, lắp đặt điện nội thất; nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò, thụ tinh nhân tạo cho bò và trồng hồng,… cho 205 học viên theo nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Từ đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 41,05%.
Nhờ được đào tạo nghề, nhiều lao động đã có việc làm tại địa phương, như lớp dạy nghề kỹ thuật dệt lanh đã có 30 người làm việc tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Thái An; lớp xây dựng dân dụng có 31 người làm việc tại Công ty TNHH một thành viên Quỳnh Thư, Cửa hàng vật liệu xây dựng Cao Thanh Tùng xã Cán Tỷ, Công ty TNHH một thành viên Thành Nam; lớp lắp đặt điện nội thất có 29 người làm việc tại Cửa hàng kinh doanh Thương mại và thiết bị văn phòng, tổ 3, thị trấn Tam Sơn; Cửa hàng kinh doanh đồ điện dân dụng Nguyễn Văn Khấm tổ 4, thị trấn Tam Sơn... Lao động sau khi học nghề nông nghiệp đã phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả tại gia đình. Thông qua những nỗ lực giải quyết việc làm cho lao động nông thôn của huyện Quản Bạ, đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Bài, ảnh: Lê Hải