Chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ngoài tỉnh
BHG - Chính sách hỗ trợ lao động (LĐ) đi làm việc ngoài tỉnh theo Nghị quyết 47, ngày 14.7.2012 của HĐND tỉnh được các cấp, ngành triển khai, cụ thể hóa vào đời sống và đây thực sự là động lực, khuyến khích người LĐ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, LĐ thuộc hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa tham gia đi làm việc ngoài tỉnh và xuất khẩu LĐ, góp phần vào công cuộc giảm nghèo nhanh và bền vững.
Người dân xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) làm hồ sơ đi làm việc ngoài tỉnh. |
Đồng chí Phạm Hữu Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ - TBXH) cho biết: Với chức năng là cơ quan Thường trực trong triển khai, thực hiện nghị quyết, Sở LĐ - TBXH luôn chủ động tham mưu cho tỉnh, phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn, phổ biến chính sách đến các tầng lớp nhân dân. Qua các hoạt động chuyên môn, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ LĐ ở cơ sở, đồng thời có văn bản chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, Phòng LĐ - TBXH các huyện, thành phố tuyên truyền, triển khai và tổ chức thực hiện theo quy định, đảm bảo chính sách được thực hiện đúng đối tượng.
Theo Nghị quyết 47 của tỉnh, mỗi LĐ được hỗ trợ bằng 1 tháng lương tối thiểu vùng và được hỗ trợ tiền vé xe. Qua đánh giá, từ năm 2013 đến tháng 10.2019, toàn tỉnh có 39.377 LĐ đi làm việc ngoài tỉnh, chiếm 34,5% tổng số LĐ được giải quyết việc làm. Trong đó, đã hỗ trợ cho người LĐ và đơn vị đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh với số tiền trên 4 tỷ đồng. Thông qua đi làm việc ngoài tỉnh, người LĐ đã thay đổi nhận thức, có tay nghề, tác phong công nghiệp, từng bước chuyển dịch cơ cấu LĐ theo hướng giảm LĐ trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp; phần lớn LĐ đều có công việc, thu nhập ổn định để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ về LĐ, việc làm theo Nghị quyết 47 chưa thực sự được các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn quan tâm đúng mức, dẫn tới công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện còn hạn chế; nhiều LĐ chưa nắm được chính sách này của tỉnh, do vậy số LĐ thuộc diện được thụ hưởng chính sách còn thấp so với tổng số LĐ đi làm việc ngoài tỉnh. Thủ tục hồ sơ đề nghị hỗ trợ còn rườm rà, thời gian giải quyết để được hưởng chính sách còn chậm (nhất là khi tỉnh chưa ban hành Quyết định số 1139, ngày 12.6.2018 của UBND tỉnh về công bố thủ tục hành chính của ngành LĐ - TBXH) gây tâm lý chán nản cho người LĐ; quy định về thời gian LĐ có hộ khẩu thường trú ít nhất là 5 năm trở lên trên địa bàn tỉnh là quá dài. Hơn nữa, hiện nay nhiều công ty, doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng LĐ, đảm bảo việc làm lâu dài, thu nhập ổn định cho người LĐ, người LĐ cũng có nhu cầu đến làm việc tại đây. Song, theo Nghị quyết 47 quy định điều kiện người LĐ phải làm việc ở các doanh nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp mới được hưởng chính sách hỗ trợ là chưa phù hợp, làm hạn chế việc thực hiện chính sách đối với người LĐ…
Để tiếp tục động viên, khuyến khích người LĐ đi làm việc ngoài tỉnh, mới đây nhất, ngày 11.12.2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 27 thay thế Nghị quyết số 47, Quy định về hỗ trợ người LĐ đi làm việc ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài. Chính sách chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, theo đó sẽ hỗ trợ người LĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.000.000 đồng/người; LĐ đi làm việc tại Trung Quốc theo thỏa thuận quản lý LĐ qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang với các địa phương phía Trung Quốc, LĐ đi làm việc ngoài tỉnh với định mức 1.500.000 đồng/người; cùng đó là hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đưa LĐ đi làm việc ngoài tỉnh 100.000 đồng/người; hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp được UBND tỉnh cho phép đưa người LĐ sang Trung Quốc làm việc theo thỏa thuận 200.000 đồng/người. Việc hỗ trợ người LĐ chỉ áp dụng một lần cho một đối tượng và với một nội dung thụ hưởng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên trách thực hiện chính sách, do dịch bệnh Covid - 19 nên từ đầu năm 2020 đến hết tháng 8.2020, số LĐ được thụ hưởng chính sách là không nhiều, có 949 LĐ được hỗ trợ với số tiền trên 1,8 tỷ đồng; hỗ trợ tổ chức đưa người LĐ đi làm việc với số tiền 68,3 triệu đồng. Hiện tại, nhiều địa phương, đơn vị đang tiến hành xem xét, hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho người LĐ theo quy định.
Có thể nói, qua triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người LĐ đi làm việc ngoài tỉnh, từ thực tiễn giúp tỉnh nhìn nhận những kết quả đạt được cũng như những hạn chế tồn tại để có sự điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn, sát với điều kiện thực tiễn của địa phương và người LĐ, từ đó giúp người LĐ có thêm động lực tìm kiếm việc làm mới, đi làm việc ngoài tỉnh, xuất khẩu LĐ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC