Siết chặt quản lý vận hành hồ chứa thủy điện trong mùa mưa
BHG - Hiện, đang là thời điểm chuẩn bị bước vào giai đoạn đỉnh điểm mùa mưa lũ, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường, mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ lũ lụt, sạt lở tại nhiều địa phương trong tỉnh. Trước tình trạng đó, siết chặt quản lý vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho các nhà máy thủy điện và vùng hạ du đang được xem là nhiệm vụ hàng đầu.
Nhà máy Thủy điện Sông Miện 6 luôn chủ động phối hợp điều tiết lưu lượng nước hồ chứa, đảm bảo an toàn cho hạ du. |
Cách đây hai năm, thành phố Hà Giang chìm trong biển nước; một trong những nguyên nhân được xác định là do sự phối hợp thông tin xả lũ giữa các nhà máy thủy điện chưa được chặt chẽ, nên khi lũ về, các nhà máy đồng loạt xả lũ dẫn đến tình trạng “lũ chồng lũ”, nước không thể thoát kịp dẫn đến trận ngập úng lịch sử. Trong những ngày cuối tháng 7 và đầu tháng 8 năm nay, mưa lũ gây thiệt hại lớn về người, tài sản tại nhiều địa phương trong tỉnh; lượng nước tại các sông, suối dâng cao. Đặc biệt, tại thành phố Hà Giang xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân. Tuy nhiên, thời điểm xảy ra ngập úng trên địa bàn thành phố, mực nước trên lưu vực sông Lô, sông Miện duy trì ở mức trung bình, không tác động đến tình trạng ngập úng; điều đó cho thấy việc phối hợp vận hành đón, xả lũ giữa các nhà máy thủy điện được thực hiện theo đúng quy trình.
Đồng chí Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Hàng năm, sở thành lập đoàn công tác, kiểm tra tình hình thực hiện phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN); kiểm tra an toàn đập, công tác vận hành xả lũ đảm bảo an toàn của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Trao đổi thông tin hai chiều giữa sở với các huyện và các đơn vị hoạt động điện lực, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện, theo dõi chặt chẽ diễn biến và nắm bắt kịp thời những ảnh hưởng của mưa lũ thông qua các phương tiện thông tin để có phương án phối hợp trong công tác phòng, chống lụt bão. Sở cũng xây dựng kế hoạch PCLB&TKCN; phân công nhiệm vụ Ban chỉ đạo PCLB&TKCN; thiết lập đường dây nóng, công bố số điện thoại thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, công tác ứng cứu, chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhu yếu phẩm khi có sự cố thiên tai xảy ra. Theo đó, các huyện, thành phố thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình mưa lũ và thực hiện tốt nguyên tắc “4 tại chỗ”. Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa, các quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước của các hồ thủy điện. Các đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản chủ động kiểm tra, rà soát khả năng chịu tải đê, đập của hồ chứa theo thiết kế và khối lượng bùn thải đã có trong các hồ; tiến hành gia cố khắc phục các sự cố về rò rỉ thân đập, bãi thải; gia cố và có biện pháp che chắn hệ thống nhà xưởng, nơi ở, trụ sở điều hành để hạn chế tối đa sự cố có thể xảy ra.
“Tình hình mưa lũ đang diễn biến bất thường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến an toàn hồ đập của các nhà máy thủy điện. Để bảo đảm các chủ đầu tư thực hiện theo đúng quy chế phối hợp vận hành hồ chứa thủy điện, đảm bảo an toàn hồ đập, sở đang siết chặt quản lý nhà nước về vận hành nhà máy thủy điện, hạn chế tối đa tác động của các nhà máy tới đời sống nhân dân” – Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Khắc Quyền cho biết thêm.
Bài, ảnh: KIM TIẾN