Mèo Vạc nỗ lực hoàn thiện hệ thống điện nông thôn
BHG - Hiện nay, huyện Mèo Vạc có 162/199 thôn, đã có điện lưới Quốc gia; trong đó, 123 thôn được Nhà nước kéo điện, 39 thôn nhân dân tự bỏ kinh phí kéo điện; 13 thôn đang được triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống điện. Tỷ lệ hộ được sử dụng thường xuyên, an toàn từ các nguồn điện năng đạt trên 50% năm 2015 tăng lên trên 80% năm 2019 với gần 12.000 hộ, chiếm trên 70% dùng điện lưới Quốc gia và hơn 1.400 hộ, chiếm gần 9% dùng điện năng lượng mặt trời, điện nước, máy phát mini. Với sự nỗ lực của các cấp, chất lượng dịch vụ cung cấp điện ở nông thôn đã có nhiều chuyển biến, tạo động lực quan trọng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến, các ngành nghề dịch vụ nông nghiệp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Gia đình anh Vừ Mí Vàng, thôn Pó Qua, xã Niêm Tòng, dùng bếp củi lấy ánh sáng sinh hoạt. |
Tuy nhiên, việc đưa điện lưới Quốc gia về các thôn, bản; đặc biệt là những thôn vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do địa hình phức tạp, đồi núi cao, giao thông trở ngại, dân cư phân bố không đồng đều, đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn đầu tư còn nhiều hạn chế, khả năng thu hồi vốn chậm. Anh Vừ Mí Vàng, thôn Pó Qua, xã Niêm Tòng, chia sẻ: Không có điện khổ lắm, vì nhà nghèo không có tiền mua đèn năng lượng mặt trời nên cứ tối về là mọi công việc chỉ dùng ánh sáng bếp củi, đèn dầu. Mong sao Nhà nước sớm kéo điện đến thôn để mọi người được sử dụng điện như những nơi khác giúp bớt đi vất vả, mua sắm được các dụng cụ cần thiết để xây dựng cuộc sống văn minh hơn.
Đồng chí Nguyễn Cao Cường, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Với mục tiêu đến hết năm 2020 tỷ lệ gia đình được sử dụng điện từ các nguồn đạt gần 90%; đến năm 2025 toàn huyện có trên 95% số hộ được sử dụng điện thường xuyên. Để đạt được mục tiêu trên, huyện chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; phối hợp với các ngành, các cấp trong công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao quỹ đất thực hiện dự án cấp điện. Đẩy mạnh triển khai đồng bộ và hiệu quả các chương trình, đề án, nội dung chính sách tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống điện ở các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn. Đồng bộ các nguồn lực, sử dụng kết hợp hiệu quả các nguồn vốn. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kịp thời tình trạng lưới điện và có biện pháp kỹ thuật đồng bộ nhằm đầu tư, sửa chữa, nâng cấp hệ thống điện đảm bảo duy trì cung cấp điện an toàn, đảm bảo kỹ thuật…
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến