Vượt gian khổ hồi sinh sự sống

20:49, 10/07/2020

BHG - Đằng sau những thửa ruộng bậc thang hay vạt chè Shan tuyết mướt xanh đến những gian nhà chất đầy ngô sau mùa thu hoạch… là bao câu chuyện đẫm nước mắt của người dân thôn Nặm Ngặt (xã Thanh Thủy – Vị Xuyên). Thành quả lao động đầy trân quý nơi vùng biên gian khó này trở thành chứng tích cho tình yêu quê hương, đất nước vô bến bờ của lớp lớp thế hệ người con quê hương Nặm Ngặt.

Gia đình ông Bồn Văn Hòn (người bên phải) đã vươn lên thoát nghèo.
Gia đình ông Bồn Văn Hòn (người bên phải) đã vươn lên thoát nghèo.

Cuộc chiến… giữa thời bình

Giai đoạn 1984 – 1989, chiến tranh trên tuyến biên giới diễn ra khốc liệt, mặt trận Vị Xuyên không một ngày yên tiếng súng. Người dân thôn Nặm Ngặt buộc phải sơ tán để đảm bảo sự an toàn về người và tài sản. Khi đất nước yên bình, họ trở về quê hương, bắt đầu xây dựng cuộc sống từ trong đổ nát của chiến tranh.

 

 

Năm 1991, anh Lý Văn Nọi là 1 trong số 15 gia đình đầu tiên từ nơi sơ tán trở về quê hương. Ngày hồi hương, anh không thể tin vào mắt mình: Làng xóm yên bình xưa giờ hoang sơ, tiêu điều. Núi đá sừng sững ngày nào giờ nát trắng như vôi, rừng xanh trơ trọc. Con đường về ken đầy vỏ đạn, xác pháo hoặc sâu hoẳm những hố pháo, mìn. Với người dân Nặm Ngặt, đôi bàn tay trắng dựng lại cơ nghiệp từ đổ nát chiến tranh vốn dĩ đã truân chuyên. Nhưng sự truân chuyên ấy thêm khó bội phần khi họ phải “chiến đấu” với đạn, bom… giữa thời bình để hồi sinh sự sống trên “mảnh đất chết”.

Ở Nặm Ngặt, ít ai quên câu chuyện đẫm đau thương, mất mát của gia đình ông Bồn Văn Hòn: 3 người chỉ có… 2 chân. Để mưu sinh, ông Hòn cũng như bao hộ dân khác phải khai hoang đất trồng ngô, cấy lúa. Thế nhưng, tháng 3.2000, trong một lần đi phát nương trồng ngô, ông không may giẫm phải mìn, vĩnh viễn mất đi chân phải. Một năm sau, ông lại vướng phải mìn và mất đi chân còn lại. Không còn đôi chân, ông không thể cùng vợ con lao động, sản xuất như xưa khiến cuộc sống mưu sinh không ít lần lao đao!. Tương tự như vậy, em cậu của ông Hòn là Bồn Văn Đặng và con rể Triệu Văn Nguyên giờ mỗi người cũng chỉ còn… 1 chân vì mìn phát nổ. Riêng cậu em Bồn Văn K của ông, năm 1993 vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời vừa tròn 16 cùng vì mìn nổ.

Không chỉ có gia đình ông Hòn, thôn Nặm Ngặt còn nhiều trường hợp khác, vì cuộc sống mưu sinh đã mang thương tật suốt đời, do vướng bom mìn, vật liệu nổ trong lúc canh tác. Như trường hợp anh Lý Văn Lòng, mất đi một bên chân; anh Tráng Văn Cầu mất cánh tay phải hay bà Diều Thị Ẳn chỉ còn một bên mắt… Rồi quá trình lao động, sản xuất, con trâu – đầu cơ nghiệp của không ít hộ dân, cũng không thể vẹn nguyên hình hài trước sức công phá của bom, mìn. “Chỉ trong 2 năm 1994 – 1995, gia đình tôi đã mất đến 4 con trâu”, anh Lý Văn Nọi xót xa nhớ lại thời điểm tài sản quý giá của gia đình bỗng chốc không còn.

Sự sống hồi sinh

Nặm Ngặt là thôn vùng cao, có 3,2 km đường biên giới, từ Mốc 256 – 260 tiếp giáp Trung Quốc. Thôn có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa hình chia cắt, dân cư phân tán, giao thông đi lại khó khăn, vật cản sau chiến tranh để lại còn nhiều. Thêm vào đó, thôn chưa có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện của thôn. Hiện Nặm Ngặt có 61 hộ đồng bào Dao sinh sống thì có đến 50 hộ nghèo và cận nghèo (chiếm 81,96%). Những hộ còn lại chỉ thuộc diện trung bình.

Không thể phủ nhận, Nặm Ngặt hiện vẫn là thôn biên giới đặc biệt khó khăn của xã Thanh Thủy; cần sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và toàn xã hội để bước nhanh trên lộ trình phát triển toàn diện. Nhưng nay, ngoài nỗ lực vượt khó của đồng bào, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, thôn biên giới đang từng ngày hồi sinh sự sống. Mặc dù trong năm, đồng bào chỉ sản xuất được duy nhất 1 vụ lúa Mùa, do thiếu nước sản xuất. Song, người dân đã biết áp dụng tiến bộ khoa học, đưa giống lúa năng suất (như San ưu 63, Nhị ưu 838, Đài thơm), giống ngô chất lượng (như Biossit 888, ngô đơn F1, 3Q) vào sản xuất. Song song với đó là áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất để tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, giải phóng sức lao động. Đến nay, thôn đã có 50 máy cày bừa công suất vừa và nhỏ, 55 máy gặt, 36 máy phát cỏ…

Đặc biệt, thôn đã hình thành các cây trồng thế mạnh, có sức cạnh tranh trên thị trường, mang lại thu nhập cao cho đồng bào. Đó là duy trì sản xuất, thâm canh 44 ha chè Shan tuyết và 32 ha Thảo quả. Trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhân dân được nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ 273 ha đạt hiệu quả. 100% các hộ ký cam kết bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng. Mặt khác, thôn cũng tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm để tăng thu nhập. Đến nay, thôn Nặm Ngặt có 180 con trâu, bò; trên 1.400 con gia cầm (gà, vịt, ngan). Từ sản xuất, chăn nuôi góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt mốc 19,8 triệu đồng/năm.

Cùng với kết quả trên, cấp ủy, chính quyền địa phương còn hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo và nhân dân trong thôn tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ năm 2017 đến nay, đã có 28 hộ tiếp cận nguồn vốn vay trên 1 tỷ đồng. Cũng trong thời gian này, toàn thôn có 9 hộ thoát nghèo, 5 hộ vươn lên trung bình. Đặc biệt, các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có nợ quá hạn. Bên cạnh đó, thôn còn phối hợp với Ban chỉ đạo xóa nhà tạm của xã rà soát các hộ nhà tạm, lập hồ sơ, đề xuất UBND huyện Vị Xuyên cấp kinh phí hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, với số tiền hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ, 5 hộ đã xóa nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố. Ngoài ra, 8 hộ khác còn được hỗ trợ 400 triệu đồng để di dời khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, “an cư lạc nghiệp”…

Rời Nặm Ngặt khi nắng chiều vừa khuất sau dãy núi, vẫn âm vang trong tôi tâm sự đầy xúc động của ông Bồn Văn Hòn: Cha ông chúng tôi khi xưa dù khó khăn, gian khổ vẫn bám trụ mảnh đất này cho tới khi nhắm mắt, xuôi tay. Giờ chúng tôi cũng vậy. Khổ mấy cũng động viên nhau vượt khó. Dù chưa làm nên cơ nghiệp lớn nhưng nhất định phải trở thành “cột mốc sống” để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG


Cùng chuyên mục

Tọa đàm nhân Ngày Dân số thế giới 11.7

BHG - Sáng 10.7, Chi cục Dân số-KHHGĐ tổ chức tọa đàm kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11.7 và sơ kết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng 6 tháng cuối năm.

10/07/2020
Signify và UNESCO thúc đẩy tiếp cận giáo dục cho cộng đồng

BHG - Thông qua Dự án thúc đẩy tiếp cận giáo dục cho các cộng đồng dân tộc thiểu số, hơn 5.000 học sinh tại 16 trường trung học cơ sở tại các tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng được trang bị đèn năng lượng mặt trời.

10/07/2020
Các đơn vị hỗ trợ CCB nghèo, hộ nghèo ở Vị Xuyên làm nhà ở

BHG - * Vừa qua, Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) phối hợp với huyện Vị Xuyên tổ chức khởi công xây dựng 2 ngôi nhà tại xã Phú Linh và Tùng Bá.

 

10/07/2020
CCB mặt trận Vị Xuyên T.p Hà Nội tặng quà học sinh nghèo xã Cao Bồ

BHG - Trong hành trình thăm lại chiến trường xưa, ngày 10.7, Hội CCB mặt trận Vị Xuyên thành phố Hà Nội đã đến thăm và tặng quà cho học sinh nghèo vượt khó xã Cao Bồ (Vị Xuyên). Tại đây đoàn đã đến thăm, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt, học tập của thầy và trò nhà Trường PTDT Bán trú Tiểu học và THCS. Chia sẻ với những khó khăn của thầy trò ở xã Cao Bồ, đoàn CCB đã trao 40 xuất quà...

10/07/2020