Thăm chiến trường xưa
BHG - Tháng 7 này với lòng biết ơn và tri ân các Anh hùng liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trên mặt trận Vị Xuyên, các cựu chiến binh cùng nhân dân trên khắp mọi miền của đất nước đã đến thắp hương, tri ân và làm lễ cầu siêu để tưởng nhớ những người đã nằm xuống để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.
Vị Xuyên - mảnh đất có nhiều di tích lịch sử gắn với cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc như: Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, hang Làng Lò, hang Dơi, Đài hương 468, làng Pinh… trở thành những điểm đến lịch sử, tâm linh thu hút du khách đến thăm viếng, thắp những nén hương thơm tỏ lòng thành kính trước những chiến sỹ đã anh dũng hy sinh để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát và thành lập hồ sơ xây dựng tour du lịch tâm linh, lịch sử “Thăm chiến trường xưa” tạo thành một chuỗi điểm đến mang dấu ấn riêng trên bản đồ du lịch Hà Giang.
Đài hương 468, thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy những ngày tháng 7. |
Trong các điểm đến của tour du lịch “Thăm chiến trường xưa” đầu tiên phải kể đến Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Nghĩa trang được xây dựng năm 1990, hoàn thành năm 1991 và được cải tạo nâng cấp năm 2004. Đây là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 liệt sỹ đã hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, đặc biệt là mặt trận Vị Xuyên và các huyện biên giới tỉnh Hà Giang.
Từ thị trấn Vị Xuyên ngược lên thành phố Hà Giang, hướng về các xã biên giới: Thanh Thủy, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải… nằm dưới cao điểm 1509, nơi đây từng là vùng chiến sự ác liệt nhất và cũng là những điểm đến lịch sử, tâm linh thường xuyên được các cựu chiến binh tìm đến để ôn lại kỷ niệm xưa. Cách Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy 5 km về phía Nam, thôn Thanh Sơn, xã Thanh Thủy được UBND huyện Vị Xuyên chọn xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới từ năm 2012. Với 100% là dân tộc Tày sinh sống, bản sắc văn hóa còn được bảo tồn, hiện nay thôn có 12 hộ kinh doanh lưu trú du lịch homestay để phục vụ và đón khách du lịch. Trong thời chiến, thôn Thanh Sơn là trạm phẫu, là căn cứ hậu phương vững chắc trong cuộc chiến tranh biên giới với tên gọi làng Pinh. Du khách đến đây có thể trải nghiệm cuốc sống thuần nông của đồng bào dân tộc Tày với những cánh đồng lúa, xen lẫn là những ngôi nhà sàn cùng với những món ăn dân tộc bình dị, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị đối với bất kỳ một du khách nào đã đặt chân đến.
Hang Dơi, hang Làng Lò một thời là nơi tập trung lương thực, hội quân và là nơi cứu thương cho bộ đội sau mỗi trận đánh. Giờ đây trở thành những điểm di tích được các cựu binh và nhân dân đến tham quan, thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ. Những câu chuyện cảm động về một thời “hoa lửa” gắn với 2 hang đá này luôn gợi lại ký ức hào hùng của quân đội ta trong những năm tháng bảo vệ biên cương ác liệt. Từ hang Làng Lò đi lên khoảng 3 km, tại thôn Nặm Ngặt, xã Thanh Thủy, các điểm cao 772, 685, 468 đã diễn ra những trận đánh ác liệt trong cuộc chiến, những người con ưu tú đã hy sinh không tiếc tuổi thanh xuân. Trận đánh ngày 12.7.1984, tại cao điểm 772, riêng Sư đoàn 356 đã có gần 600 chiến sỹ mãi mãi về với đất mẹ. Trước những hy sinh mất mát đó, Ban liên lạc Sư đoàn 356 cùng các nhà hảo tâm đã xây dựng Đài hương tại cao điểm 468. Khuôn viên của Đài hương 468, liền kề với cao điểm 685, nhìn sang các cao điểm 772, 1.100, hướng chính diện nhìn thẳng lên điểm cao nhất 1.509. Những cao điểm máu lửa một thời giờ đã phủ một màu xanh yên ả, thanh bình nhưng hòa với đất mẹ vẫn còn hàng ngàn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập về với gia đình, đồng đội. Giờ đây, Đài hương 468 là điểm đến linh thiêng sau Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên để hương hồn các anh an nghỉ.
Là người trực tiếp khảo sát và lập hồ sơ xây dựng tour du lịch tâm linh, lịch sử “Thăm chiến trường xưa” chị Vừ Thị Mai Hương, cán bộ Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Những chuyến đi khảo sát và thắp hương tri ân cùng các cựu chiến binh và tìm hiểu lịch sử của mặt trận Vị Xuyên đã thôi thúc tôi xây dựng tour du lịch “Thăm chiến trường xưa”. Đây là việc phải làm của thế hệ sau đối với cha anh đi trước, những người đã hy sinh xương máu giữ vững hòa bình trên giải đất biên cương Tổ quốc.
Bài, ảnh: Trọng Toan