Mang nước sạch về bản
BHG - Để hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch lên 86% năm 2020, Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả (Chương trình) đang được các cơ quan chức năng và các đơn vị thi công nỗ lực đẩy nhanh tiến độ và bàn giao các công trình cấp nước sinh hoạt đã hoàn thành; giúp hàng nghìn hộ dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được sử dụng nước sạch.
Công trình nước sạch thôn Tát Cà, Nà Thé, xã Tùng Bá (Vị Xuyên). |
Tát Cà, Nà Thé là 2 thôn còn nhiều khó khăn của xã Tùng Bá (Vị Xuyên); lâu nay, người dân nơi đây vẫn dùng nguồn nước lần lấy từ trên núi về sinh hoạt hàng ngày; một số hộ dân thì đào giếng khoan. Vào mùa mưa, đất đá sạt lở, đường ống dẫn nước hỏng; xác động vật, lá cây, rác thải,… khiến nguồn nước đầu nguồn bị ảnh hưởng, không đảm bảo vệ sinh. Để giúp người dân có nước sạch sử dụng, Chương trình đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt thôn Tát Cà, Nà Thé; gồm các hạng mục: Đập đầu mối, bể lắng lọc, bể lọc áp lực, nhà trạm, bể chứa cùng tuyến ống dài trên 30 km, hệ thống cấp nước tự chảy, trụ vòi và lắp đồng hồ đo nước đến từng hộ dân; với tổng kinh phí trên 10,8 tỷ đồng. Nước sau khi được xử lý qua hệ thống lọc của công trình sẽ đạt tiêu chuẩn nước sạch theo quy định của Bộ Y tế và cung cấp nước sạch cho gần 400 hộ dân và 9 cơ sở trên địa bàn xã.
Niềm vui của bà Lục Thị Nhình, thôn Tát Cà được sử dụng nguồn nước sạch. |
Bà Lục Thị Nhình, thôn Tát Cà dùng dòng nước mát lành chảy ra từ vòi trụ, không giấu được xúc động: “Cả đời tôi dùng nước lần trên đỉnh núi, giờ nước sạch được lắp đến tận nhà; cảm ơn Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến cuộc sống người dân nghèo”. Anh Vũ Ngọc Hà, cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển xây dựng số 9; đơn vị giám sát công trình, cho biết: “Quá trình triển khai đầu tư xây dựng công trình được giám sát chặt chẽ ở tất cả các khâu, đảm bảo công trình xây dựng đúng kỹ thuật thiết kế và chất lượng. Bên cạnh đó, quá tình thi công còn có sự giám sát chặt chẽ của người dân trong thôn”.
Từ đầu năm đến nay, Chương trình đã kiểm đếm, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng 8 công trình cấp nước sinh hoạt và đang đẩy nhanh tiến độ thi công 12 công trình tại các địa phương trong tỉnh. Sắp tới, sẽ có thêm trên 9.850 người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; nâng tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt lên 85,93%. Ban điều phối Chương trình thường xuyên phối hợp với UBND các huyện báo cáo, cập nhật thông tin công trình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng trong năm 2019 để theo dõi hiệu quả sau đầu tư; cập nhật số liệu Bộ chỉ số theo dõi đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm; tăng cường tuyên truyền về cấp nước sinh hoạt nông thôn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong bảo vệ, sử dụng hiệu quả công trình cấp nước sau đầu tư; triển khai công tác kiểm đếm theo đúng sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình.
Theo lãnh đạo Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn, trong thời gian tới, Trung tâm tăng cường đôn đốc các đơn vị thi công, kiểm tra, giám sát tiến độ, kỹ thuật thi công các công trình; tiếp tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng thêm một số công trình hoàn thành; triển khai tập huấn cho cán bộ chuyên trách tuyến xã, huyện về sổ tay POM kết hợp với vấn đề dân tộc thiểu số cho các hộ được hưởng lợi từ công trình; hướng dẫn tổ quản lý, vận hành tại các địa phương cách vận hành, sử dụng công trình sau đầu tư.
Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt đều được đầu tư xây dựng tại các thôn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nên quá trình xây dựng gặp nhiều khó khăn. Với quyết tâm mang nước sạch về bản, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát đều đang nỗ lực hết mình, chạy đua với thời gian, để hoàn thành các công trình đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng; góp phần hoàn thành mục tiêu nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch năm 2020.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN