Đẩy mạnh hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con
BHG - Với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV trong nhóm phụ nữ mang thai (PNMT), giảm số trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ; thời gian qua, ngành Y tế đã đẩy mạnh thực hiện chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (TMSC).
Phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Lây truyền HIV TMSC là một trong ba con đường chính lây nhiễm HIV/AIDS, với tỷ lệ nguy cơ từ 25-40%. Nếu PNMT được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỉ lệ lây truyền chỉ còn 2-6%, thậm chí là 0%. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV TMSC là một trong những giải pháp quan trọng làm giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, những năm trước đây, phần lớn số PNMT nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh chủ yếu được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn, gây ra nhiều khó khăn trong quản lý, điều trị. Nguyên nhân do PNMT, PN nhiễm HIV thiếu thông tin, kiến thức về lây truyền HIV; các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV TMSC chưa được cung cấp rộng rãi. Mặt khác, PN nhiễm HIV mang tâm lý e ngại, sợ bị kỳ thị, xa lánh nên giấu bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc dự phòng lây truyền TMSC.
Trước thực trạng này, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV TMSC đã được ngành Y tế đẩy mạnh và xác định là nhiệm vụ quan trọng. Thông qua các hoạt động truyền thông rộng; phát huy vai trò hạt nhân của đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn, bản; triển khai các hoạt động giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với PNMT nhiễm và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; tăng cường vận động, khuyến khích sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm,… nhờ vậy, đa số các tầng lớp nhân dân, đặc biêt là PNMT, vợ của người nhiễm HIV, PN có hành vi nguy cơ cao đã hiểu rõ nội dung, lợi ích của chương trình và tự nguyện tham gia xét nghiệm, điều trị dự phòng sớm.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Hàng năm, Trung tâm đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ làm công tác tư vấn tại cơ sở sản khoa, hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản các tuyến, khám, quản lý thai sản,… làm tốt các hoạt động chuyên môn; đảm bảo 100% PNMT nhiễm HIV và số trẻ sinh ra được chăm sóc, quản lý và điều trị bằng thuốc ARV. Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền, theo dõi tải lượng HIV của PN nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và PNMT nhiễm HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện. Mặt khác, toàn tỉnh đang duy trì hệ thống 29 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV tại các cơ sở y tế và 1 phòng xét nghiệm khẳng định lại,… phục vụ cho công tác giám sát dịch, tư vấn và xét nghiệm HIV.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền TMSC, giai đoạn 2019-2025 trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo các địa phương tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV TMSC, đảm bảo đủ cơ số thuốc sẵn có cho công tác điều trị. Cung cấp sữa ăn thay thế cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đến ít nhất 6 tháng tuổi. Thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc, theo dõi sức khỏe cho tất cả các trẻ em nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh… Nhờ đó, PNMT được cung cấp kiến thức về lây truyền HIV, chủ động tham gia xét nghiệm HIV ngày càng tăng. Hàng năm, số PNMT được xét nghiệm trước sinh đạt từ 60-70%; riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã có gần 5.000 PNMT được xét nghiệm HIV trước sinh. Trong đó, đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với HIV và đang được các cơ sở y tế chăm sóc, điều trị theo đúng phác đồ chuyên môn.
“Điều trị thuốc ARV sớm cho mẹ - sức khỏe cho con” là chủ đề Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV TMSC năm 2020, thực hiện từ ngày 1 - 30.6. Trong tháng hàng động, các đơn vị chức năng sẽ tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV, đẩy mạnh các can thiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng. Bên cạnh đó, tổ chức truyền thông kết hợp tư vấn xét nghiệm lưu động tại các huyện Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê… Qua đó, nhằm thúc đẩy sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong giảm tỷ lệ trẻ nhiễm HIV TMSC xuống dưới 2% vào năm nay.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN