"Viết" lại cuộc đời… ngoài song sắt
BHG - Vì những sai lầm trong quá khứ, có người phải trả giá bằng bản án 2 năm tù, người nhiều thì 16 năm. Từng ấy thời gian trong song sắt nhà tù đủ để họ thấu hiểu và trân trọng cuộc sống thường nhật vốn có. Ngày bước chân rời khỏi trại giam cũng là lúc họ “viết” lại cuộc đời bằng một trái tim lương thiện và một tư duy đổi mới để góp sức xây dựng quê hương. Đó là câu chuyện đậm tính nhân văn từ mô hình độc đáo: “Giúp người lầm lỗi, đổi mới tư duy” (hay Tổ hoàn lương) ở xã Hữu Sản – Bắc Quang.
Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản, Nguyễn Bá Tuấn (bên phải) khảo sát mô hình trồng lúa Nếp cái hoa vàng kết hợp nuôi cá Chép ruộng của thành viên Tổ hoàn lương. |
Từ vết xe đổ...
Mùa Xuân năm 1989, cách đây 31 năm; người dân thôn Đoàn Kết bàng hoàng khi hay tin tin ông Đặng Hà Vẻ vướng vòng lao lý. Bởi, ông không chỉ là công dân gương mẫu tại nơi cư trú mà còn là một cựu binh đỏ ngực chiến công.
Tuổi thanh xuân, bản lĩnh chính trị của ông được tôi luyện qua bom rơi, đạn lạc khi trực tiếp làm công tác địch vận và cầm súng chiến đấu bảo vệ mặt trận Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới vĩ đại của dân tộc. Thời gian quân ngũ, với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam; Hạ sỹ Đặng Hà Vẻ (đơn vị C16, Trung đoàn 122, Sư đoàn 313) vinh dự nhận phần thưởng cao quý: Huy chương Chiến sĩ vẻ vang, Kỷ niệm chương Cựu chiến binh Việt Nam... Thế nhưng, khoảnh khắc tự vệ trước sự hành hung của người khác, ông đã sơ ý khiến 1 người thiệt mạng, 1 người khác bị thương. Mặc dù 2 lần kháng cáo nhưng ông buộc phải chấp nhận sự nghiêm minh của pháp luật bằng bản án tù chung thân.
Ai cũng thương ông, ngày chấp hành án phạt tại trại giam thuộc huyện Hạ Hòa (Phú Thọ); cô con gái đầu lòng mới lên 5 tuổi, cậu con trai thứ 2 vừa tuổi lên 3 và cô con gái út còn trong bụng mẹ; không thể nhìn gương mặt cha khi cất tiếng khóc chào đời. 5 năm sau, tức năm 1994, đất trời như sụp đổ dưới chân khi ông biết tin cô con gái đầu lòng mãi mãi ra đi vì bạo bệnh; vợ ông sau đó cũng trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh... Thương vợ, xót con, ông Vẻ tự nhủ với lòng mình phải cố gắng cải tạo thật tốt để chờ ngày gặp lại người thân. Suốt thời gian cải tạo tại trại giam, nhận thấy “mầm thiện“ trong con người ông Vẻ; năm 2005, tức sau 16 năm chấp hành án phạt tù, ông vinh dự nhận ân xá của Chủ tịch nước để tái hòa nhập cộng đồng đúng ngày Quốc khánh 2.9.
Tổ trưởng Tổ hoàn lương Đặng Hà Vẻ (bên phải) tiếp nhận đơn xin vay vốn của anh Nguyễn Đình Trái. |
Ngoài ông Vẻ, tại xã Hữu Sản cũng có một số trường hợp vì nhiều lý do khác nhau, buộc phải sống xa cộng đồng nhiều năm. Trước sự nghiêm minh của pháp luật, anh Nguyễn Đình Trái lĩnh án 2 năm tù (từ 2004 - 2006), trả giá cho tội đánh bạc; anh Ma Văn Hoàng, chấp hành án phạt 2 năm (1993 - 1995) vì tội đánh người gây thương tích. Anh Ma Văn Tỏa lĩnh án 4 năm tù (2001 - 2005) trả giá cho hành vi buôn bán phụ nữ. Anh Tỏa trải lòng: Lúc ấy, gia cảnh tôi quá nghèo, lại bị kẻ xấu dụ dỗ với lời đường mật: Nếu tôi giúp họ tìm, đưa 1 phụ nữ sang bên kia biên giới thành công, sẽ có 1 khoản tiền đổi đời nên tôi làm liều. May sao, hành vi mất nhân tính của chúng tôi nhanh chóng bị lực lượng chức năng vạch trần, nên cô gái đó chưa qua biên giới; không thì tôi tội chồng lên tội.
... Đến vòng quay mới
“Tái hòa nhập cộng đồng, tôi muốn bù đắp cho gia đình, nhất là vợ tôi (bà Vù Thị Oanh – PV). Dù biết tôi lãnh án chung thân nhưng bà vẫn một lòng thủy chung, son sắt; thay tôi vun đắp hạnh phúc gia đình vượt hết dông tố này đến bão táp khác... Trong khi đó, ngoài xã hội, bà được tín nhiệm đảm đương nhiều chức danh của thôn, từ Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ đến Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ (giai đoạn 1989 – 2015).
Trân trọng ngày đoàn tụ, ông Vẻ cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế từ 5 ha rừng keo, chăn nuôi gia súc và hàng nghìn gia cầm; trồng lúa đặc sản Nếp cái hoa vàng kết hợp nuôi cá Chép ruộng để tạo thu nhập, lợi ích kép... Ban đầu, để có vốn “giắt lưng”, ông xin cấp phép khai thác rừng nứa ngộ và là người đầu tiên trong xã chuyển đổi đồi tạp sang trồng Keo. Qua 5 - 7 năm/chu kỳ khai thác giúp ông thu lợi trên 500 triệu đồng. Với cách làm tiến bộ này, nhiều người được ông truyền dạy kinh nghiệm đã học tập, làm theo. Đến nay, phát triển kinh tế rừng tại xã Hữu Sản đã trở thành chiến lược đột phá được cấp ủy huyện Bắc Quang cụ thể hóa tại Nghị quyết Phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu và rừng sản xuất tại các xã phía Đông sông Lô, giai đoạn 2016 – 2020. Với thành công trên, năm 2017, ông Vẻ vui mừng nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang về thành tích xuất sắc trong công tác “dân vận khéo”. Giờ đây, với sự cần cù lao động; ông Vẻ đã sở hữu cơ ngơi khang trang trị giá bạc tỷ, 2 con của ông đều được trau dồi kiến thức nơi giảng đường đại học hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. Trong đó, con trai Đặng Hà Võ của ông trở thành cán bộ Thú y xã, được bà con tin tưởng, yêu mến…
“Có lẽ, cũng bởi những người lầm đường, lạc lối như chúng tôi mà xã nhà từng mang danh “trọng điểm về an ninh trật tự”. Nhưng từng ấy thời gian tù tội, lại nhận sự quan tâm, động viên của các cấp, ngành; vòng tay nhân ái của cộng đồng khi tái hòa nhập đủ để chúng tôi nhận ra lẽ phải và quyết tâm không bao giờ đi theo vết xe đổ nữa”, anh Nguyễn Đình Trái chia sẻ. Và rồi, năm 2018, mái nhà chung mang tên Tổ hoàn lương ra đời. Người “nhạc trưởng” không ai khác chính là ông Đặng Hà Vẻ. “Đây là địa chỉ quy tụ 7 người từng có tiền án, tiền sự trên địa bàn xã, nay chung quyết tâm đổi mới tư duy để góp sức xây dựng quê hương giàu mạnh về kinh tế, sớm đạt tiêu chuẩn đảm bảo an toàn về ANTT theo chương trình xây dựng Nông thôn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Hữu Sản – Nguyễn Bá Tuấn, chia sẻ.
Noi gương ông Vẻ, các thành viên Tổ hoàn lương từng bước “khôi phục kinh tế” gia đình. Đặc biệt, qua hơn 2 năm hoạt động đến nay, với mức đóng góp 500 nghìn đồng/người/năm, Tổ đã giúp 4 thành viên có nguồn vốn vay 10 triệu đồng để gây dựng kinh tế hoặc tăng gia sản xuất. Với số tiền bình quân 2,5 triệu đồng/người vay (lãi suất 0,3%/năm) tuy không nhiều nhưng là tài sản lớn để các thành viên mua cây, con giống: Từ gần 200 – 250 con vịt, gà hoặc 4.500 cây Keo, Bồ đề hay gần 30 kg lúa giống Nếp cái hoa vàng, 2.500 con cá Chép ruộng…
Chị Triệu Thị Vỹ (thôn Đoàn Kết) nhận xét: Trước đây, tôi thấy nhiều người sau ra tù vẫn còn một số tật xấu “cố hữu”, như: Ăn trộm, ăn cắp vặt; bạo lực gia đình, thậm chí là thành phần ngang bướng trong cộng đồng. Thế nhưng, khi sinh hoạt tại Tổ hoàn lương thì họ hoàn toàn thay đổi tâm tính. Xóm làng bình yên thực sự…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc