Tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn
BHG - Để hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn được thực hiện nghiêm túc, an toàn và hiệu quả; tháng 8.2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, giai đoạn 2018 – 2020. Qua quá trình thực hiện, nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, trách nhiệm của cán bộ y tế trong thực hiện kê đơn thuốc được nâng lên; giảm tình trạng lạm dụng, kiểm soát tốt nguồn gốc, minh bạch trong quản lý giá thuốc.
Nhân viên Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cập nhật dữ liệu trên phần mềm cơ sở dữ liệu dược Quốc gia. |
Qua khảo sát của ngành chức năng, tình trạng các nhà thuốc, quầy bán thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh không có đơn vẫn diễn ra khá phổ biến. Người dân khi có các triệu chứng bệnh nhẹ thường tự ý đến các nhà thuốc mua về sử dụng chứ không tới các cơ sở y tế để thăm, khám bệnh. Từ đó, dẫn tới lạm dụng thuốc, uống không đủ liều lượng và làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Trước thực trạng này, việc ban hành Đế án kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn là rất cần thiết, kịp thời. Sở Y tế đã phối hợp với các ngành liên quan tiến hành kiểm tra, đánh giá hoạt động kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn sử dụng thuốc kháng sinh cho các cơ sở kinh doanh thuốc; đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, tránh tự ý dùng thuốc kháng sinh.
Theo đại diện Phòng nghiệp vụ Dược, Sở Y tế, đơn vị đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các bác sĩ tại các cơ sở y tế về việc kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú. Phối hợp tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở bán lẻ thuốc. Cùng với đó, rà soát, nâng cao chất lượng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP (thực hành tốt quản lý nhà thuốc); kết hợp với triển khai Thông tư số 02 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc. Đối với các trường hợp vi phạm tùy theo mức độ, các ngành chức năng sẽ tiến hành nhắc nhở, phạt tiền theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2020, 100% cơ sở bán lẻ thuốc triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông giữa cơ sở cung ứng, nhà thuốc với cơ quan quản lý; Sở Y tế đã phối hợp với 6 đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược Quốc gia. Hoạt động đào tạo, hướng dẫn các cơ sở cung ứng thuốc sử dụng phần mềm kết nối liên thông được tập trung thực hiện. Đồng thời, chia thành 3 lộ trình thực hiện để đảm bảo chất lượng, bền vững. Đến nay, toàn tỉnh có 252 nhà thuốc, quầy thuốc thực hiện kết nối liên thông với cơ quan quản lý phục vụ công tác truy xuất đơn thuốc, tên bệnh nhân, cơ sở kê đơn, chất lượng, giá thuốc…
Dược sĩ Chu Quốc Huy, cán bộ phụ trách Nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Hiểu rõ tầm quan trọng của việc kết nối liên thông, chúng tôi luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về bán thuốc theo đơn, cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục lên hệ thống. Qua đó, đem lại nhiều lợi ích cho nhà thuốc, như: Kiểm soát được nguồn gốc thuốc, quản lý quá trình kinh doanh, dễ dàng thực hiện các báo cáo theo quy chế dược và trao đổi thông tin 2 chiều với cơ quan quản lý nhà nước…
Việc duy trì các hoạt động và mục tiêu của đề án là rất cần thiết, tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp một số khó khăn do địa bàn rộng, kết nối internet tại các xã vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; chi phí mua sắm trang thiết bị và duy trì phần mềm kết nối liên thông với cơ sở dữ liệu dược Quốc gia còn chênh lệch so với doanh thu của các cơ sở bán lẻ thuốc. Do vậy, các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho các cơ sở vùng sâu, vùng xa; các nhà cung cấp đơn giản hóa phần mềm,… phát huy tốt những hiệu quả, tính bền vững của đề án.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc