Phát triển nguồn cán bộ người Mông ở Mèo Vạc

09:30, 08/04/2020

BHG - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, cho nên “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đó cũng là chân lý soi đường cho cấp ủy huyện Mèo Vạc tập trung phát triển nguồn cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người Mông có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Anh Dương Trọng Thái (trái)  - chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Mèo Vạc hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên người Mông.
Anh Dương Trọng Thái (trái) - chuyên viên Văn phòng Huyện ủy Mèo Vạc hướng dẫn nghiệp vụ cho sinh viên người Mông.

Miền đá Mèo Vạc hiện có 17 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, đồng bào Mông chiếm trên 77%; mặc dù là dân tộc chiếm số đông,  nhưng tỷ lệ CBCCVC làm việc trong các cơ quan, đơn vị cấp huyện, xã trên địa bàn huyện còn khá khiêm tốn. Trong đó, ở cấp huyện chỉ hơn 11% và ở cấp xã  gần 30%. Đặc biệt, nhiều cơ quan, đơn vị cấp huyện chưa có lãnh đạo hoặc CBCCVC là người Mông, như: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Phòng GD&ĐT… Mặt khác, trình độ, năng lực của một số CBCCVC là người Mông còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là ở cấp xã. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã có trình độ đại học mới đạt hơn 48%. Nếu xét về kinh tế, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện trên 50% thì số hộ nghèo là người dân tộc Mông chiếm hơn 87%. Ngoài ra, một số cán bộ, công chức dân tộc khác công tác tại vùng đồng bào Mông trên địa bàn huyện nên chưa hiểu hết được ngôn ngữ, phong tục, tập quán của người Mông. Từ những lý do đó, đặt ra không ít khó khăn cho các cấp, ngành của huyện Mèo Vạc trong công tác tuyên truyền, vận động.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Huyện ủy Mèo Vạc đã ban hành nghị quyết về phát triển nguồn CBCCVC là người Mông giai đoạn 2019 – 2025 và các năm tiếp theo. Nghị quyết hướng đến mục tiêu từng bước bố trí hài hòa cán bộ là người Mông trong các cơ quan của Đảng, chính quyền, các đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp huyện đến cơ sở; phù hợp với cơ cấu dân tộc, trình độ, năng lực, vị trí việc làm. Từ đó, góp phần vào công cuộc phát triển KT – XH, giữ vững an ninh trật tự, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nhân dân; đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Thực hiện nghị quyết, Huyện ủy Mèo Vạc đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trước hết là nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về tinh thần của nghị quyết; xây dựng môi trường xã hội cho giáo dục, phân luồng học sinh tạo nguồn quy hoạch, đào tạo; đẩy mạnh công tác khuyến tài, khuyến học để giúp đỡ, hỗ trợ học sinh, sinh viên người Mông. Hàng năm, rà soát và khảo sát nguyện vọng của sinh viên người Mông tốt nghiệp các trường chuyên nghiệp để có hướng bồi dưỡng kết nạp Đảng cũng như bố trí, sử dụng vào một số vị trí việc làm nhất định. Đối với CBCVC là người Mông hiện đang công tác thì tiếp tục có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện thực hóa nghị quyết của Huyện ủy Mèo Vạc, hiện nay, có 8 em là người dân tộc Mông đang được học việc tại một số cơ quan, đơn vị của huyện, như: Văn phòng Huyện ủy, UBND, Ban Nội vụ… Em Vàng Thị Súa chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp tại Trường Đại học Thái Nguyên, em được Huyện ủy Mèo Vạc tạo điều kiện cho học việc tại Văn phòng Huyện. Hiện, em đã học việc với chức danh Chuyên viên Văn phòng được hơn 5 tháng và được huyện hỗ trợ mỗi tháng 3,5 triệu đồng. Được học việc tại đây là cơ hội tốt để em phấn đấu, rèn luyện và vận dụng kiến thức đã có vào thực tế. Trao đổi về nội dung này, Phó ban Tổ chức Huyện ủy Mèo Vạc – Vũ Đình Quyền, cho biết: Bên cạnh chủ trương ưu tiên cho sinh viên người Mông mới ra trường học việc tại các phòng, ban; huyện cũng khuyến khích, động viên sinh viên ra trường về đảm nhiệm các chức danh ở thôn hoặc bán chuyên trách cấp xã. Từ đó, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch để tạo nguồn cán bộ chuyên trách cho xã, huyện.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Việt Nam có thêm 2 ca mắc Covid-19, 1 người là hàng xóm của BN 243

Tính đến 6h sáng 8/4, Việt Nam ghi nhận thêm 2 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc tại Việt Nam lên 251 người. Ca bệnh 250 (BN 250): Bệnh nhân nữ, quốc tịch Việt Nam, 50 tuổi, trú tại Hạ Lôi, Mê Linh, Hà Nội. Bệnh nhân là hàng xóm và có tiếp xúc gần BN243. Ngày 2/4 khởi phát bệnh.

08/04/2020
Việt Nam ghi nhận thêm 4 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số lên 249 ca

Đến 18h chiều 7/4, Bộ Y tế công bố thêm 4 ca mắc mới Covid-19 tại Việt Nam, trong đó 3 trường hợp từ nước ngoài về nước. Các ca mắc mới Covid-19 được công bố chiều 7/4 gồm: Ca bệnh 246 (BN246): Bệnh nhân nam, 33 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, làm đầu bếp tại Moscow (LB Nga). Ngày 24/3, bệnh nhân từ Nga trở về Việt Nam trên chuyến bay SU290 (ghế 49F), nhập cảnh Sân bay Nội Bài ngày 25/3.

07/04/2020
Thông báo lịch trình liên quan đến bệnh nhân 237 và 183 bị nhiễm Covid-19

BHG – Ngày 7.4, Sở Y tế Hà Giang đã có Thông báo số 58/TB-SYT về việc theo dõi sức khỏe đối với những trường hợp đã đến các địa điểm liên quan đến bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Sở Y tế đề nghị người dân đã đi tới những địa điểm và trong khoảng thời gian dưới đây thì liên hệ ngay với trạm y tế các xã, phường, thị trấn nơi cư trú để thực hiện việc khai báo y tế; hướng dẫn theo dõi sức khỏe.

07/04/2020
11 bệnh nhân mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, hôm nay (7.4), có 11 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam là 245 người và đã chữa khỏi 106 ca bệnh COVID-19. 

07/04/2020