Phát huy hiệu quả hệ thống truyền thanh không dây
BHG - Nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền ở cơ sở, từng bước hoàn thiện tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông, hiện nay, một số xã của huyện Đồng Văn đã tiến hành lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây tại tất cả các thôn. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, hệ thống này đã phát huy được hiệu quả tích cực trong công tác tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, từng bước giúp người dân hiểu và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lắp đặt hệ thống loa tại thôn Mả Lủng, xã Má Lé. |
Má Lé là xã đi đầu trong việc lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây (truyền thanh internet) của huyện Đồng Văn. Vào những khung giờ cố định: 5h, 11h30 và 17h hằng ngày, người dân các thôn, bản đi lại khó khăn cũng có thể nắm bắt được thông tin một cách nhanh chóng mà không cần phải đợi đến các cuộc họp như trước. Theo tìm hiểu, các thiết bị của hệ thống truyền thanh không dây gồm: 2 loa nén, 1 cụm loa truyền thanh Internet tích hợp các phần mềm quản lý cùng một số thiết bị phụ trợ khác được lắp đặt tại 12 thôn. Số tiền đầu tư lắp đặt tại mỗi thôn là 22 triệu đồng, một phần do người dân đóng góp, 1 phần từ nguồn xã hội hóa.
Việc lắp đặt hệ thống truyền thanh internet đã giúp hiện đại hóa công tác tuyên truyền tại các thôn, bản khó khăn. Đặc biệt, việc duy trì thời lượng phát 3 tiếng/ngày, người dân đã kịp thời biết được các thông tin thời sự, các chương trình, sự kiện diễn ra trên địa bàn xã, huyện, tỉnh. Cán bộ văn hóa xã còn xây dựng chương trình cụ thể theo từng lĩnh vực, phát bằng tiếng Mông và tiếng phổ thông. Các thông báo tình hình sâu bệnh hại lúa, hoa màu; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; phòng, chống dịch Covid-19; công tác vệ sinh môi trường; vấn đề tảo hôn, kết hôn cận huyết thống,… đều được thông tin hằng ngày đến người dân. Chị Sùng Thị Mỷ, thôn Lèn Sàng, chia sẻ: “Từ khi có loa phát thanh đã giúp người dân hiểu thêm được rất nhiều về các chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt; Luật Hôn nhân và gia đình; xây dựng Nông thôn mới… Từ đó, mỗi người dân chúng tôi cũng ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc xây dựng quê hương”.
Theo đồng chí Chu Văn Hương, Bí thư Đảng ủy xã Má Lé: Hệ thống loa truyền thanh ở thôn hoạt động rất hiệu quả. Chỉ tính từ 10.2019 đến 2.2020, UBND xã đã thực hiện tuyên truyền, thông báo được trên 100 lượt về các nội dung, như: Các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân; xây dựng nhà ở cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo; hướng dẫn người dân chăn nuôi, trồng trọt... Từ đó, người dân trong xã đã chủ động đưa giống cây, con mới vào sản xuất; hiến đất, đóng góp công sức để xây dựng các công trình công cộng; tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, thu gom rác thải, sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Nghe phát thanh đã trở thành thói quen tốt của bà con các thôn, vì thế công tác tuyên truyền cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Cũng như Má Lé, xã Thài Phìn Tủng đã lắp đặt hệ thống truyền thanh không dây từ tháng 8.2019 tại 15 thôn trên địa bàn xã, 100% chi phí từ nguồn vốn xã hội hóa. Các gương điển hình về phát triển kinh tế, gương người tốt, việc tốt đều được cán bộ văn hóa xã tổng hợp và phát trên hệ thống loa truyền thanh để đông đảo người dân học tập và làm theo. Tại thôn Nhèo Lủng, nhờ công tác tuyên truyền tốt, hiệu quả; đến nay, đã hoàn thành trên 90% đường bê tông nông thôn. Trong thôn, hộ nghèo giảm, hộ khá ngày càng tăng, người dân được tiếp cận với nhiều thông tin quan trọng, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao.
Có thể nói, việc sử dụng hệ thống truyền thanh không dây tại các xã của huyện Đồng Văn đã góp phần hiện đại hóa công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin đem đến nhiều thông tin thời sự, thiết thực phục vụ người dân.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc