"Lá chắn thép" giữa biên thùy - Kỳ cuối: "Cuộc chiến đấu" thầm lặng
BHG - Gác lại hạnh phúc riêng, những chiến sĩ quân y Biên phòng túc trực trong các điểm cách ly đang hy sinh thầm lặng giữa “cuộc chiến” chống dịch Covid-19. Ở miền biên viễn, tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đang cháy bỏng cho cuộc sống bình yên.
Đồn Biên phòng Xín Cái phối hợp với các đơn vị tặng khẩu trang y tế cho người dân. |
Những hy sinh thầm lặng
Mèo Vạc là huyện duy nhất của tỉnh tiếp giáp với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài lực lượng lao động qua biên giới làm việc còn có nhiều phụ nữ lấy chồng bên Trung Quốc. Qua rà soát, toàn huyện có gần 3.000 người lao động theo hợp đồng và lao động tự do bên Trung Quốc; hiện còn trên 400 lao động chưa trở về địa phương. Xác định các lao động cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ nên lực lượng Biên phòng thường xuyên phối hợp rà soát, đảm bảo các trường hợp được cách ly khi trở về. Tại các điểm cách ly luôn có những “chiến binh” căng mình trong “cuộc chiến” chống dịch.
Trạm kiểm soát cửa khẩu liên ngành Mốc 456 – Săm Pun nằm sát biên giới thuộc thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng mới được hoàn thành đầu năm; nay được bố trí làm trạm cách ly tập trung. Ở giữa nơi gió lộng, nơi đây trở thành mái ấm chung cho hơn 70 người cách ly đến từ nhiều tỉnh, thành (do phía Trung Quốc trao trả hoặc đi lao động bên Trung Quốc trở về hay cố tình vượt biên trái phép). Bằng sự nhiệt huyết, đội ngũ quân y gần như không nghỉ, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các trường hợp cách ly.
Lãnh đạo huyện Mèo Vạc khen thưởng lực lượng Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trực chốt phòng dịch. |
6 giờ sáng, khi sương mù vẫn bủa vây dải biên cương cũng là lúc các chiến sĩ quân y làm nhiệm vụ. Đã hơn 2 tháng nay, Đại úy Lê Huy Đức, quân y Đồn Biên phòng Xín Cái chưa một lần trọn giấc. Ngoài việc tiếp nhận, khám, đo thân nhiệt, khai thác lịch sử di chuyển các trường hợp được đưa đến cách ly, anh còn trở thành “nhà tâm lý”, giải thích, vận động, hướng dẫn công dân cách chăm sóc bản thân, cách phòng tránh lây lan dịch bệnh. Công việc cứ thế kéo dài tới đêm muộn. Có lần, 2 giờ sáng, khi anh em trực trạm chuẩn bị đi ngủ thì có hơn chục trường hợp từ phía Trung Quốc trở về tự nguyện đến khai báo cách ly; lúc đó, đội ngũ quân y thực hiện nhiệm vụ tới sáng mặc dù sức khỏe bị bào mòn từng ngày.
Đại úy Lê Huy Đức – người con quê hương Vĩnh Phúc gắn bó với mảnh đất biên cương Xín Cái từ đầu những năm 2000. Trải qua bao gian nan, thử thách đã giúp anh vững vàng trước gian khổ. Ngôi nhà nhỏ có vợ và hai con cách nơi anh làm nhiệm vụ chưa đến chục cây số nhưng anh chưa một lần về thăm, vì đã dành hết thời gian cho công việc. Những lúc nhớ nhà, phương tiện liên lạc duy nhất là chiếc điện thoại kết nối chập chờn. “Lắm lúc nhớ con, nghe con gọi tên mình mà nước mắt cứ trực trào ra. Thường khi cuối tuần được về nhà, bọn nhỏ quấn quýt nên giờ lâu ngày không về bọn trẻ cũng nhớ mình. Cũng muốn về nhưng việc còn nhiều và muốn an toàn cho gia đình”.
Từ quê hương Ninh Bình, Thượng úy Nhữ Công Trường, quân y Đồn Biên phòng Sơn Vĩ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ biên cương đã gần 20 năm. Vùng đất khắc nghiệt tôi luyện nên người lính biên phòng kiên trung, để hôm nay anh là một trong những “chiến binh” tiên phong trên trận tuyến không tiếng súng. Ở quê nhà vợ nhớ, con mong nhưng chưa một lần anh nhắc đến hạnh phúc riêng khi thực hiện nhiệm vụ. Anh chỉ cười: “Người lính không vì hạnh phúc của bản thân để chối bỏ nhiệm vụ trong lúc Tổ quốc và người dân cần mình nhất”.
“Cuộc chiến đấu” không nghỉ
Trong câu chuyện của những người lính nơi tuyến đầu, chúng tôi nhận thấy quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh với tinh thần “hết dịch mới về”. Với sự tập trung cao độ, quyết liệt, Đồn Biên phòng Sơn Vĩ có thời điểm huy động 50 – 60% quân số triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Thiếu tá Đỗ Đại Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, cho biết: Đơn vị xác định công tác chống dịch như một cuộc chiến nên anh em đã chuẩn bị tư tưởng, sẵn sàng chiến đấu vì bình yên cuộc sống người dân. Dù muôn vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng các chiến sĩ chưa lúc nào lơ là nhiệm vụ. Hiện, đơn vị lập 3 chốt trực 24/24 giờ tại các Mốc 499, 504, 519; lập các tổ tuần tra, kiểm soát ngăn chặn các hoạt động qua biên giới; quyết tâm dựng các “pháo đài” dọc theo tuyến biên giới.
Những người lính “quân hàm xanh” không chỉ hy sinh hạnh phúc riêng vì sự yên ấm của đồng bào vùng biên mà còn không sợ hiểm nguy chăm lo cho các công dân cách ly. Giữa nơi biên cương, với sự hướng dẫn, chăm sóc tận tình của những người lính quân y đã giúp các công dân cảm thấy thoải mái như ở nhà mình. Hiện, huyện Mèo Vạc có trên 500 người đang cách ly; trong đó, có 130 trường hợp cách ly tập trung, chủ yếu tại các điểm ở khu vực biên giới. Anh Thò Mí Nô, thôn Há Pống Cáy, xã Sủng Trà sau khi đi lao động Trung Quốc trở về đã thực hiện cách ly tại Trạm cách ly cửa khẩu liên ngành Mốc 456 – Săm Pun. Anh chia sẻ: “Ở đây được các anh Biên phòng chăm sóc, hướng dẫn cách phòng bệnh nên yên tâm lắm; chỗ ở, ăn uống còn sướng hơn ở nhà nên mọi người ai cũng động viên nhau thực hiện đủ thời gian mới về”.
Mùa này, miền biên viễn mưa lạnh, nhưng ý chí, nghị lực và những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ “quân hàm xanh” cùng với quyết tâm, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, đồng bào đang tạo chủ động trên trận tuyến chống dịch. Thượng úy Trần Duy Phúc, quân y Đồn Biên phòng Sơn Vĩ đang ngày đêm chăm lo sức khỏe cho gần 20 người đang cách ly. Anh bảo: “Vì cuộc sống mưu sinh mà người dân phải đi lao động bên Trung Quốc. Khi cách ly vì sự an toàn của cộng đồng, họ cần sự chia sẻ, cảm thông. Vì vậy, anh em làm nhiệm vụ luôn tìm cách giúp đỡ, động viên bằng tình cảm chân thành. Chính tình người đã giúp các công dân yên lòng và thực hiện theo đúng khuyến cáo về phòng, tránh dịch bệnh”.
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc Nguyễn Cao Cường, cho biết: Sự hy sinh lớn lao của những người trực tiếp trên tuyến đầu đang tiếp lửa cho các đơn vị chung tay ngăn chặn đại dịch. Địa phương đã thường xuyên quan tâm, động viên các lực lượng, nhất là các chiến sĩ biên phòng. Mới đây, huyện khen thưởng đột xuất các chốt, trạm Biên phòng vì những cống hiến không biết mệt mỏi trong công tác chống dịch. Dù khó khăn, gian khổ nhưng huyện đồng lòng, quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; không chủ quan, lơ là; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân; thực hiện nghiêm quan điểm “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài” chống dịch.
Biên cương mùa này xanh màu cây rừng, xanh thêm những chiếc quân hàm của người lính biên phòng. Có lẽ, màu xanh hơn cả đó là màu hy vọng dịch bệnh Covid-19 không thể xuyên qua biên giới, bởi ở đó luôn có những “chiến binh” can trường dựng “lá chắn thép” bảo vệ cuộc sống bình yên.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
[links()]
Ý kiến bạn đọc