Thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định trước tình hình dịch Covid - 19
BHG - Những ngày qua, ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước có tình trạng người dân đi mua hàng hóa tích trữ vì nỗi lo dịch bệnh Covid 19 bùng phát hàng hóa sẽ khan hiếm và tăng giá. Tuy nhiên, qua ghi nhận trên địa bàn tỉnh ta, giá cả, chủng loại hàng hóa vẫn khá đa dạng phong phú, giá cả ổn định, không có xáo trộn trước những thông tin về dịch bệnh Covid - 19.
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1 kiểm tra chất lượng, giá cả các loại hàng hóa bày bán tại cửa hàng Lâm Sâm, tổ 8, phường Trần Phú (TPHG). |
Theo ghi nhận của phóng viên, tại một số chợ trên địa bàn thành phố Hà Giang cho thấy, đa số các mặt không có biến động nhiều về giá so với thời điểm trước. Cụ thể, gạo tẻ thường từ 12.000 đồng - 16.000 đồng/kg tùy từng loại gạo; gạo tám thơm 15.000 - 17.000 đồng/kg; gạo nếp nương 30.000 - 32.000 đồng/kg; thịt bò loại A có giá 300.000 đồng/kg; cá chép loại 1kg trở lên giá từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Riêng đối với thịt lợn, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên vẫn giữ ở giá cao từ 160.000 - 180.000 đồng/kg. Các loại rau xanh vẫn giữ ở mức ổn định: Cải xanh, cải ngồng từ 13.000 - 15.000 đồng/kg; bí xanh 20.000 đồng/kg; cà chua từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; mì tôm hảo hảo 98.000 đồng/hộp 30 gói…
Thực tế tại các cửa hàng bán thực phẩm tại khu vực chợ Trung tâm thành phố Hà Giang những ngày qua, khách đến mua hàng có phần giảm, không có hiện tượng tăng giá. |
Chị Đỗ Thị Lâm, chủ cửa hàng Lâm Sâm tại tổ 8, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang cho biết: “Ở nhiều địa phương do dịch bệnh Covid -19 có tình trạng người dân mua tích trữ hàng hóa, nhưng đối với thành phố Hà Giang không có tình trạng đó. Giá các loại mặt hàng chuyển đi giao cho các cơ sở bán hàng lẻ ở các huyện vùng cao như Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Su Phì… và bán tại cửa hàng trung tâm thành phố vẫn như cũ, không có biến động về giá. Người dân đến mua tại cửa hàng vẫn như mọi ngày, không có hiện tượng tăng lượng người mua đột biến thậm chí còn có phần giảm hơn vì dịch bệnh Covid - 19”.
Chị Nguyễn Thị Hải Yến, chủ cửa hàng bán gạo tại chợ Trung tâm thành phố Hà Giang, chia sẻ: “Từ thời điểm dịch bệnh Covid - 19 xuất hiện ở Việt Nam đến thời điểm này giá gạo cửa hàng tôi bán không có biến động, vẫn giữ ở mức 12.000 - 16.000 đồng/kg gạo tùy vào từng loại gạo; số lượng người mua gạo từ lúc chưa có dịch đến nay không có sự gia tăng đột biến nào”.
Đồng chí Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, khẳng định: “Hiện tại, hàng hóa trên địa bàn tỉnh ta nhìn chung vẫn đang rất ổn định về giá cả, đủ các loại mặt hàng đáp nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của nhân dân. Vì vậy, người dân không nên hoang mang, lo lắng về giá cả tăng, hành hóa khan hiếm do dịch bệnh Covid - 19. Việc người dân đi mua tích trữ hàng hóa chỉ làm lợi cho các tư thương, cơ sở bán hàng”.
Được biết, để ổn định thị trường hàng hóa, bảo vệ lợi ích chính đáng của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh trong thời điểm dịch bệnh Covid - 19 đang có diễn biến phức tạp, khó lường, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT xây dựng kế hoạch cụ thể về kiểm tra, kiểm soát thị trường; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của địa phương tăng cường kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân như: Bánh kẹo, dầu ăn, các loại sữa, nước giải khát, các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, mỹ phẩm, thuốc tân dược, khẩu trang... Cùng đó là tăng cường công tác kiểm tra, ký cam kết với các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm về việc thực hiện các quy định về giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết và sẽ có hình thức xử lý nghiêm theo pháp luật đối với các trường hợp vi phạm, nhất là việc lợi dụng dịch bệnh Covid - 19 để găm hàng, tích trữ hàng hóa, bán hàng tăng giá quá mức khi người dân tố cáo, phản ánh.
Có thể nói, dịch bệnh Covid - 19 đang có những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng lớn tới một số lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Nhưng đối với thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh ta vẫn ổn định; điều này là có sự vào cuộc của các cấp, ngành, trong đó có lực lượng QLTT tỉnh đã triển khai các giải pháp để kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường hàng hóa, giữ vững môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, luôn đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc