Quy tụ dân cư, kinh nghiệm thực tiễn miền cực Bắc - Kỳ đầu: Từ dự án bố trí dân cư tập trung

10:19, 26/03/2020

BHG - Từ thực tế triển khai dự án bố trí dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do… theo Quyết định 193 và 1776 của Thủ tướng Chính phủ; tỉnh ta đã rút ra bài học kinh nghiệm, có cách làm riêng, linh hoạt, sáng tạo với điều kiện địa phương nên trong giai đoạn 2011 – 2019 đã quy tụ, ổn định được gần 9.200 hộ, vượt chỉ tiêu, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.

Thực hiện Quyết định 193 và 1776 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2009 - 2016, tỉnh ta được T.Ư phê duyệt thực hiện 13 dự án bố trí dân cư tập trung vùng thiên tai, biên giới, đặc biệt khó khăn và rừng đặc dụng, tổng quy mô bố trí 1.011 hộ; kinh phí thực hiện gần 718 tỷ đồng; trong đó, ngân sách T.Ư trên 714,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 3,4 tỷ đồng.

Người dân dựng nhà trên diện tích Dự án di dân xã Tân Trịnh (Quang Bình).
Người dân dựng nhà trên diện tích Dự án di dân xã Tân Trịnh (Quang Bình).

Dự án di dân vùng thiên tai, đời sống đặc biệt khó khăn xóm Khuổi Pụt, thôn Bản Ngàn, xã Kim Linh (Vị Xuyên) được phê duyệt tháng 11.2012, hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và di chuyển 33 hộ về từ năm 2013. Sau 7 năm định cư tại nơi ở mới, người dân được thụ hưởng nhiều điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

Chủ tịch UBND xã Kim Linh, Lý Quảng Ba cho biết: Trong số 33 hộ được di chuyển về Khuổi Pụt, có 20 hộ dân tộc Mông thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ; 13 hộ nằm ở vùng có nguy cơ thiên tai trên địa bàn xã. Các hộ di chuyển về Khuổi Pụt được nhà nước đầu tư kéo điện lưới đến từng nhà; đường nước sạch cũng được dẫn về trung tâm xóm, đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân ngay cả trong mùa khô; hệ thống giao thông liên thôn, nội xóm được cứng hóa giúp bà con đi lại, giao thương thuận tiện, các điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ.

Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi tới Khuổi Pụt là sự thanh bình. Những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của các hộ dân nằm sát nhau nhưng vẫn đảm bảo rộng rãi, thoát đãng. Những loại cây ăn quả như mít, ổi được trồng từ khi các hộ di chuyển về bắt đầu ra quả, như báo hiệu cuộc sống ổn định, đang ngày càng ấm no trên vùng đất mới.

Một góc khu dân cư Khuổi Pụt, xã Kim Linh (Vị Xuyên).
Một góc khu dân cư Khuổi Pụt, xã Kim Linh (Vị Xuyên).

Anh Vàng Mí Sính, Trưởng xóm Khuổi Pụt cho biết: Trước khi chuyển từ huyện Quản Bạ về, hai vợ chồng tôi và đứa con nhỏ quanh năm phải lo cái ăn do diện tích đất sản xuất bố mẹ chia chỉ đủ trồng 2 – 3 kg giống. Nhưng khi về Khuổi Pụt, ngoài được nhà nước đầu tư hạ tầng như điện, đường, trường, nước, các thiết chế văn hóa, còn được cấp đất ở và gần 1 ha đất sản xuất. Vì vậy, cuộc sống đã ổn định và thoát được cái đói, cái nghèo.

Từ nguồn kinh phí triển khai các dự án bố trí dân cư tập trung, đã có 31,7 km đường giao thông, 5 công trình thủy lợi, 9 hệ thống cấp nước sinh hoạt, 2 hệ thống thoát nước, 17 giếng, bể chứa nước sinh hoạt, 6 trạm biến áp, 9 đường dây điện trung và hạ thế, 16 phòng học, 7 nhà văn hóa,… được đầu tư xây dựng. Ngoài ra, các hộ khi di chuyển về nơi ở mới được cấp bình quân 300 m2 đất ở, hơn 2.200 m2 đất sản xuất; hỗ trợ kinh phí di chuyển nhà ở, lương thực trong thời gian đầu khi chuyển về nơi ở mới; hỗ trợ cây, con giống để dần ổn định cuộc sống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế… Đến nay, 100% hộ dân chuyển về các dự án bố trí dân cư có điện sinh hoạt, được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ có nhà kiên cố, bán kiên cố đạt 95%; 100% con em trong độ tuổi đi học được đến trường; thu nhập bình quân đạt 64,5 triệu đồng/hộ/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5%/năm…

Theo tính toán, 13 dự án bố trí dân cư tập trung sử dụng tới 99% ngân sách T.Ư, với định mức đầu tư trung bình mỗi dự án trên 55 tỷ đồng, định suất bình quân để di chuyển khoảng 700 triệu đồng/hộ (từ đầu tư hạ tầng nông thôn đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chi phí di chuyển…), cá biệt có dự án mức đầu tư trên 1 tỷ đồng đến gần 2 tỷ đồng/hộ. Vì thế, tính đến cuối năm 2019, còn tới 5 dự án đã phê duyệt gần 10 năm và một dự án phê duyệt 5 năm vẫn dở dang hoặc chưa có vốn triển khai. 7 dự án đã hoàn thành các hạng mục đầu tư nhưng tính đến cuối năm 2019 vốn cấp còn thiếu trên 80/389,266 tỷ đồng tổng vốn được duyệt. Số kinh phí T.Ư cấp cho các dự án mới đạt trên 50%, mới có trên 500 hộ được bố trí về nơi ở mới, chiếm khoảng 50% mục tiêu.

Đơn cử như, Dự án di dân ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, bảo vệ nghiêm ngặt thuộc khu rừng đặc dụng huyện Vị Xuyên, triển khai tại xã Phong Quang được phê duyệt đầu tư năm 2011, với quy mô 45 hộ, tổng mức đầu tư trên 59 tỷ đồng, bình quân định suất đầu tư, di chuyển các hộ trên 1,3 tỷ đồng. Hiện nay, các hạng mục đầu tư của dự án như: Nhà lớp học, nhà văn hóa, hệ thống cấp nước sinh hoạt, san ủi mặt bằng, kéo điện lưới đã hoàn thành. Thế nhưng, từ năm 2015, các công trình bị bỏ hoang do người dân chưa di chuyển về vì thiếu nguồn kinh phí; hệ thống giao thông còn khó khăn…

Hay như, Dự án di chuyển dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ thiên tai xã Tân Trịnh (Quang Bình) được phê duyệt đầu tư từ năm 2010, quy mô di chuyển 126 hộ (sau nâng lên gần 150 hộ), chia làm 2 giai đoạn. Tổng mức đầu tư được duyệt trên 81 tỷ đồng. Tuy nhiên đến cuối năm 2019, dự án mới cơ bản hoàn thành đầu tư hạ tầng và giao đất ở cho các hộ trong giai đoạn 1 của dự án. Giai đoạn II chưa biết khi nào mới tiếp tục thực hiện, do nguồn vốn cấp rất… nhỏ giọt.

Thực tế việc triển khai các dự án dân cư tập trung thời gian qua, đòi hỏi phải có cách làm linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Kỳ cuối: Đến cách làm linh hoạt, sáng tạo

Duy Tuấn

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Số ca Covid-19 lên 148, Bộ Y tế khuyến cáo 'không ra đường'

Bảy ca nhiễm mới sáng 26.3, gồm 4 người ở TP HCM, 2 tại Hà Nội, một Nghệ An, nâng số ca Covid-19 lên 148.

26/03/2020
Bộ Y tế đã phát thông báo khẩn số 8 về lịch sử di chuyển của các bệnh nhân mắc COVID-19

Bộ Y tế đề nghị, tất những ai có mặt trong thời gian và địa điểm này cần liên hệ ngay với Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật các tỉnh, thành phố để được hướng dẫn theo dõi sức khoẻ. 

26/03/2020
Thêm 11 ca dương tính nCoV, Việt Nam ghi nhận 134 ca nhiễm Covid-19

Bốn người ở TP HCM, 5 người tại Hà Nội, một Lai Châu, một Thanh Hóa được xác định dương tính nCoV, nâng số bệnh nhân đến tối 24/3 lên 134.

25/03/2020
Đồng Văn xây dựng các công trình chào mừng đại hội Đảng

BHG - Để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Đồng Văn lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025; huyện chọn xây dựng 3 công trình trọng điểm: Công trình Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (DTNT) huyện; nâng cấp, sửa chữa đường Phố Bảng, Phố Là;  nâng cấp, cải tạo đường từ Quốc lộ 4C đi thôn Lao Xa, xã Sủng Là.

25/03/2020