Chung tay "giải cơn khát" trên Cao nguyên đá
BHG - Mùa khô trên Cao nguyên đá thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong đó, huyện Đồng Văn - vùng lõi của Cao nguyên đá được mệnh danh là “vùng đất khát”, nguồn nước thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. “Giải cơn khát”, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay hỗ trợ người dân bằng những việc làm thiết thực.
Bà con thôn Há Pia, xã Sủng Trái (Đồng Văn) nhận bồn chứa nước. Ảnh: Trọng Toan |
Mùa khô này, người dân các thôn vùng cao thuộc xã Vần Chải, Hố Quáng Phìn, Sủng Là, Sà Phìn của huyện Đồng Văn đang phải hứng chịu cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Đồng chí Trần Ngọc Giác, Chủ tịch UBND xã Vần Chải cho biết: Những năm qua, nhờ các chương trình, dự án của Chính phủ, của tỉnh, huyện, phần lớn người dân trong xã đã có nước sinh hoạt tối thiểu. Nhiều công trình nước tự chảy loại nhỏ được hỗ trợ xây bể chứa nước dung tích 5 - 7 m3; nhiều gia đình tận dụng các hốc đá xây dựng 2 - 3 bể chứa… nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu nước sinh hoạt; vào mùa khô, nhiều gia đình ở những thôn vùng cao phải đi từ 5 - 10 km để lấy nước.
Xã Vần Chải có 13 thôn, 4.236 khẩu, trong đó có những thôn đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt, như thôn Sủng Khúa B, cách trung tâm xã 10 km; thôn Chua Say, Phìn Chải B, cách trung tâm xã 7 km, đường đi khó khăn, ở giữa rừng đá nên thiếu nước trầm trọng. Ngay tại khu vực trung tâm xã, mặc dù được đầu tư xây dựng “hồ treo” nhưng hàng năm, vào mùa khô vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Chính quyền địa phương có nhiều giải pháp khai thác nguồn nước sinh hoạt như khuyến khích nhân dân trồng cây quanh nhà, bảo vệ thảm thực vật núi đá sẵn có, trồng cỏ… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa được là bao.
“Hồ treo” xã Sà Phìn (Đồng Văn) cạn trơ đáy. Ảnh: HOÀNG NGỌC |
Cũng giống như Vần Chải, xã Sà Phìn được xem là “vùng đất khát” của huyện Đồng Văn. Khắc phục tình trạng thiếu nước, người dân khu vực trung tâm xã, hay các thôn Sán Sì Tủng, Lầu Chá Tủng, Lý Chá Tủng, Há Hơ phải sang “hồ treo” hoặc tìm nguồn nước tự chảy thuộc xã Thài Phìn Tủng, Sảng Tủng, Sính Lủng.
Thiếu nước sinh hoạt cũng đang là vấn đề gây khó khăn, trở ngại cho việc duy trì dạy và học ở các trường học. Thầy giáo Vương Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Vần Chải chia sẻ: Năm học 2019 - 2020 nhà trường có 380 học sinh bán trú, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt rất lớn, nhà trường phải bỏ ra khoản tiền không nhỏ để mua nước…
Thấu hiểu nỗi khổ của người dân vùng cao, anh Nguyễn Văn Trãi, Giám đốc Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ đã phát động chương trình trao tặng bồn chứa nước cho bà con huyện Đồng Văn. Bà con ở các thôn Xà Lũng A, xã Phố Cáo; Phố Trồ, thị trấn Phố Bảng; Há Pia, xã Sủng Trái những ngày cuối năm 2019 bất ngờ nhận được món quà ý nghĩa từ một người yêu mến văn hóa bản địa. Hơn 10 năm gắn bó mảnh đất cực Bắc, anh Trãi luôn thấu hiểu và cảm thông với những khó khăn, vất vả của đồng bào. Anh luôn trăn trở phải làm được điều gì thật ý nghĩa, góp phần thay đổi đời sống của bà con. Sau những chuyến khảo sát thực địa, vượt qua những chặng đường khó khăn, sống cùng và tận mắt thấy sự thiếu thốn của bà con trong mùa khô, Trãi quyết định trở thành cầu nối để các nhà hảo tâm chung tay mang bồn nước về với bà con trên Cao nguyên đá.
Hành trình đầu tiên, Trãi cùng các nhà hảo tâm đưa bồn nước về 22 hộ người Mông thôn Sảo Há, xã Vần Chải. Cứ thế nhân lên, hơn 45 hộ đặc biệt khó khăn tại các xã Sủng Trái, Phố Cáo lần lượt nhận được món quà đầy ý nghĩa này. Điểm trao bồn nước những ngày đầu năm 2020, là thôn Há Pia, xã Sủng Trái, thôn 100% người Mông, với 90 hộ, gần 500 khẩu; trong đó, có 74 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo, đời sống cực kỳ khó khăn, tỉ lệ người dân biết nói tiếng phổ thông rất thấp. Nguồn nước sinh hoạt của bà con chủ yếu là nước mưa tích trữ trong những bể chứa nhỏ, dùng hết phải đi cõng nước từ các khe đá xa hàng giờ đồng hồ. Mạch nước gần thôn Há Pia, mùa mưa dòng chảy lớn nhất không bằng ngón tay, được bà con xây bể giữ nước chia nhau dùng dần; mùa khô nước nhỏ giọt, cả ngày hứng được chừng 2 can 20 lít nên có khi người trong xóm đợi cả buổi chẳng có nổi lít nước mang về.
Đường từ quốc lộ vào thôn Há Pia rộng hơn 2 m, chiếc xe chở bồn nước đi vào chật vật mới tới trung tâm thôn. Ngay đầu nhà văn hóa thôn, một bể chứa nước bằng bê tông đã khô cạn từ bao giờ. Há Pia bốn bên là núi đá, giữa một thung lũng nhỏ hẹp, bà con người Mông dựng nhà, quy tụ thành xóm sinh sống. Mùa khô, mỗi hộ phải cử 1 - 2 người đi lấy nước. Sau 2 chuyến, Trãi và những người bạn đã trao 65 bồn nước cho 65/74 hộ nghèo ở thôn với trị giá 117 triệu đồng.
Anh Ly Mí Pó, Chủ tịch UBND xã Sủng Trái bộc bạch: Rất cảm kích tấm lòng của Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ và các nhà hảo tâm đã đưa bồn chứa nước đến với bà con Há Pia. Có bồn trữ nước, bà con yên tâm hơn, chủ động được nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Những món quà này góp phần hoàn thiện tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng Nông thôn mới của xã.
Khởi động chương trình từ cuối năm 2019, tới nay Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ đã trao 179 bồn nước cho bà con các xã: Phố Cáo, Phố Bảng, Vần Chải và Sủng Trái. Hành trình vẫn đang tiếp tục; với định hướng lâu dài, chương trình trao tặng bồn nước cho bà con vùng Cao nguyên đá sẽ được Công ty Du lịch Hà Giang Trẻ kết nối với các nhà hảo tâm nhằm trao bồn nước cho toàn bộ các hộ khó khăn của thôn Há Pia, sau đó sẽ mở rộng ra các xã khó khăn về nước sinh hoạt của huyện Đồng Văn như Hố Quáng Phìn, Lũng Phìn và huyện Mèo Vạc.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC - TRỌNG TOAN
Ý kiến bạn đọc