Mô hình ý nghĩa ở Sủng Thài
BHG - Xã Sủng Thài (Yên Minh) có 19 thôn, với 100% là dân tộc Mông cùng sinh sống. Trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều bậc cha mẹ chưa biết cách quan tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Được sự tài trợ của Dự án Plan, năm 2016, Nhóm cha mẹ về chăm sóc, phát triển trẻ từ 0 - 8 tuổi ở xã được thành lập, thu hút 25 ông bố, bà mẹ đang nuôi con từ 0 – 8 tuổi tham gia (Nhóm cha mẹ). Sau 3 năm thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân trang bị những kiến thức cơ bản trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc và bảo vệ trẻ.
Buổi sinh hoạt cộng đồng của Nhóm cha mẹ. |
Nhóm cha mẹ gồm các ông bố, bà mẹ có con từ 0 – 8 tuổi hoặc người trực tiếp chăm sóc trẻ sống cùng thôn, bản tập hợp tại một địa điểm để chia sẻ, trao đổi các kiến thức, thực hành liên quan tới chăm sóc và phát triển trẻ thơ, dưới sự hướng dẫn của các tình nguyện viên. Mô hình này được Hội LHPN tỉnh phối hợp với Dự án Plan tại Hà Giang triển khai tại tỉnh ta từ năm 2013. Năm 2016, mô hình được nhân rộng triển khai tại xã Sủng Thài. Sau 1 năm hoạt động, mô hình đã giúp các ông bố, bà mẹ thay đổi về nhận thức, nâng cao được kỹ năng giáo dục trẻ phù hợp theo từng giai đoạn phát triển; biết quan tâm, chăm sóc trẻ tốt hơn, như khi thấy con phát triển chưa đạt được theo mốc độ tuổi đã biết đưa trẻ đi khám, tư vấn của trạm y tế, bệnh viện huyện; biết lắng nghe ý kiến của trẻ, dành thời gian chơi cùng con, làm đồ chơi bằng vật liệu sẵn có tại địa phương…
Chị Sùng Thị Cáy, thôn Hồng Ngài A, chia sẻ: Nhà tôi có 2 đứa con, tham gia mô hình này, tôi được cung cấp kiến thức, kỹ năng nuôi, dạy trẻ theo khoa học; hiện nay, mỗi khi con ốm tôi đưa con đến bệnh viện, trước khi ăn phải rửa sạch tay, biết bổ sung các chất dinh dưỡng để con phát triển toàn diện…
Tính đến nay, trên địa bàn xã Sủng Thài có 5 Nhóm cha mẹ đang hoạt động, với 137 thành viên tham gia, ở các thôn Lùng Pủng A, Lùng Pủng B, Hồng Ngài C, Hồng Ngài A, Cháng Pùng B. Hàng tháng, các nhóm tổ chức sinh hoạt 2 lần; tại các buổi sinh hoạt, cha mẹ được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, khai thác văn hóa địa phương và tháo gỡ những khó khăn trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ. Thông qua các buổi sinh hoạt đã tạo dựng được sự tự tin của cha mẹ, cha mẹ sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt tốt hơn, mạnh dạn trong giao tiếp.
Chị Giàng Thị May, Chủ tịch Hội LHPN xã Sủng Thài, cho biết: Để Nhóm cha mẹ hoạt động hiệu quả, Hội LHPN xã tiếp tục đôn đốc các nhóm tổ chức duy trì sinh hoạt theo quy định 2 lần/tháng. Tổ chức giám sát, hỗ trợ tình nguyện viên nhóm trong điều hành sinh hoạt; phối hợp nghiên cứu tài liệu để chuyển các nội dung sinh hoạt từ tiếng Việt sang tiếng địa phương, nhằm hướng dẫn cha mẹ thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ tốt hơn. Tuyên truyền mục đích, ý nghĩa tham gia sinh hoạt nhóm để kết nạp thêm thành viên.
Có thể nói, mô hình Nhóm cha mẹ ở xã Sủng Thài đã góp phần thực hiện tốt các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các tiêu chí trong xây dựng NTM dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Đồng thời, giúp cho chị em cán bộ, hội viên phụ nữ, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số được trang bị kiến thức cơ bản, từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật, cũng như kỹ năng trong việc chăm sóc và bảo vệ trẻ, để trẻ phát triển toàn diện.
Bài, ảnh: Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc