Nâng cao nhận thức về giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn thành phố Hà Giang
BHG - “Hạn chế rác thải nhựa” là phong trào được Thủ tướng Chính phủ kêu gọi và đang được nhân dân cả nước hưởng ứng. Tại tỉnh ta, những cuộc phát động và tuyên truyền đã, đang từng bước tạo sự lan tỏa mạnh mẽ; đặc biệt là đối với đội ngũ đoàn viên, thanh niên và học sinh. Nâng cao nhận thức cho mọi người về trách nghiệm của chính bản thân đối với môi trường là điều quan trọng và hiệu quả nhất để ngăn ngừa các nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tương lai.
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Giang tham gia sản xuất gạch sinh thái tại Lễ phát động thực hiện Dự án “Ngôi nhà gạch sinh thái” do Thành đoàn Hà Giang phối hợp tổ chức. |
Hiện nay, người dân đang thải ra môi trường lượng rác thải nhựa khổng lồ và phải mất đến hàng triệu năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Theo số liệu được công bố, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam thải ra hàng năm xấp xỉ 2,5 triệu tấn, chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn ra ngoài môi trường. Trong khi đó, chỉ một chiếc túi nilon nhỏ nhưng phải mất ít nhất 100 năm mới có thể phân hủy và với 1 chai nhựa thì cần gần 200 năm. Các quy trình xử lý rác thải nhựa cũng gây nên rất nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường và phần lớn lượng rác thải nhựa sau khi bị vứt đi hoặc thu gom đều không được xử lý đúng cách. Điều này đã tạo nên gánh nặng cho môi trường, các chuyên gia còn gọi đây là tình trạng “ô nhiễm trắng”.
Tại tỉnh ta, những bài tuyên truyền, cuộc vận động, phát động đã được triển khai rộng khắp tại các huyện, thành phố. Bằng cách tuyên truyền cho người dân làm những việc làm thiết thực, cụ thể như: Thu gom những chai nhựa, túi nilon, ống hút, hộp xốp, vỏ bao bì đã qua sử dụng và làm sạch chúng; tái chế các loại rác thải nhựa trở thành những vật dụng hữu ích cho cuộc sống.... Từ đó, kêu gọi cộng đồng thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần và thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường; góp phần giảm thiểu rác thải thải ra môi trường sống.
Để đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho đoàn viên, thanh niên và học sinh về rác thải nhựa; vừa qua, Thành đoàn Hà Giang đã phát động thực hiện Dự án Ecobrick house “Ngôi nhà gạch sinh thái”. Thông qua đó, truyền tải thông điệp về tác hại của các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe của con người. Có mặt tại buổi lễ, em Nguyễn Thảo Minh, học sinh lớp 10 Toán, Trường THPT Chuyên Hà Giang chia sẻ: “Ở trường, khi tìm hiểu về bảo vệ môi trường, nhất là việc hạn chế rác thải nhựa; bên cạnh những thông tin chúng em được học trên sách thì còn được tìm hiểu tại các hội thi do Đoàn trường tổ chức. Ở những giờ học ngoại khóa, chúng em cũng được tìm hiểu rất kỹ, vì thế em cũng như các bạn đều biết rõ trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn môi trường xanh, sạch. Nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi lao động dọn vệ sinh công viên, vẽ tranh hưởng ứng các ngày vì môi trường. Những buổi học, cuộc thi như vậy rất có ý nghĩa với chúng em; vì vừa giúp chúng em thoải mái hơn sau các giờ học căng thẳng, lại có thêm kiến thức bổ ích”.
Cô Nguyễn Thị Cẩm Nhung, Tổng phụ trách Đội, Trường THPT Chuyên Hà Giang cho biết: “Nâng cao nhận thức cho các em về vấn đề rác thải nhựa là nhiệm vụ được chúng tôi triển khai hàng năm; với mong muốn, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, các em đã có những sự hiểu biết, nhận thức đúng đắn về bảo vệ môi trường. Tại tất cả các chương trình, hội thi, hoạt động ngoại khóa đều được các em tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Từ đó, đã hình thành ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh từ những điều nhỏ nhất trong cuộc sống”.
Trao đổi với chúng tôi, anh Đỗ Hà Văn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Giang cho biết: Hưởng ứng Cuộc vận động hạn chế sử dụng rác thải nhựa, Thành đoàn Hà Giang đã phát động phong trào đến từng chi đoàn trực thuộc. Những việc làm của các đoàn viên, thanh niên và học sinh vừa giúp định hình lối sống tốt đẹp cho các em, lại vừa có sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân. Nâng cao ý thức cho các em, chính là đưa đến một thông điệp cho các phụ huynh cùng chung tay bảo vệ môi trường sống. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ tổ chức nhiều hơn các buổi tuyên truyền, cuộc thi, hội thi tìm hiểu về rác thải nhựa trên địa bàn thành phố cũng như tại các trường học để từng bước xây dựng môi trường sống xanh, sạch, an toàn hơn.
Nói không với rác thải nhựa, thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân là vấn đề không thể giải quyết dứt điểm trong một thời gian ngắn. Vì vậy, để phong trào thực sự có hiệu quả, cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân và cả cộng đồng, góp phần loại bỏ tình trạng “ô nhiễm trắng” do rác thải nhựa gây ra. Hãy thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa khó phân hủy ngay từ hôm nay để bảo vệ môi trường sống của chúng ta.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc