Bác Hạng Mí De tâm huyết với khuyến học, khuyến tài
BHG - Đã ngoài 70 tuổi, nhưng bác Hạng Mí De vẫn dành trọn tình cảm, tâm huyết và công sức cho công tác khuyến học, khuyến tài (KHKT). Giữ cương vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh đã mười năm có lẻ và cũng từng ấy thời gian bác luôn lặn lội khắp các xã, thôn vùng sâu, vùng xa để vận động xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh; cũng như khích lệ, động viên kịp thời những gương sáng khuyến học. Những đóng góp của bác đã thúc đẩy công tác KHKT và phong trào học tập suốt đời trên địa bàn tỉnh phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu và đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Bác Hạng Mí De (giữa) thăm mô hình dòng họ học tập tiêu biểu xã Ngọc Linh (Vị Xuyên). |
Là người con của dân tộc Mông xã Quyết Tiến (Quản Bạ), năm 11 tuổi, bố mẹ không may qua đời; bác De cùng người chị và em gái của mình được một người bác ở xã Cán Tỷ thương tình đón về nuôi. Nhớ lại những năm tháng tuổi thơ gian khó, bác De không giấu nổi niềm xúc động: “Hồi đó, cả bản đều nghèo, đói lắm; trẻ con ít được đến trường. Tôi cũng ở nhà giúp bác chăn trâu, cắt cỏ, làm nương... Sau 1 năm, tôi may mắn được người quen làm ở UBND xã Cán Tỷ lúc bấy giờ đưa lên học ở Đồng Văn rồi sau đó đi học tiếp ở thị xã Hà Giang và trường Thiếu nhi Việt Bắc (bây giờ là Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc – Thái Nguyên). Năm 1973, tôi tốt nghiệp Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Trải qua nhiều đơn vị công tác, đến năm 1991 tái lập tỉnh, tôi quyết định về Hà Giang với mong muốn đóng góp một phần sức lực nhỏ bé cho sự phát triển của quê hương”.
Từ đó đến nay, trải qua nhiều cương vị công tác như: Giám đốc Sở GD&ĐT, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Quản Bạ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh. Sau khi nghỉ hưu, bác được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh từ năm 2005 đến nay. Giờ ở tuổi 73 tuổi, mái đầu đã bạc trắng, đôi tay cũng chẳng còn nhanh nhẹn như thời trai trẻ; nhưng trong sâu thẳm, bác vẫn luôn có một trái tim tràn đầy nhiệt huyết với công tác KHKT cùng những trăn trở, suy tư làm gì để góp phần chăm chút cho con chữ nơi vùng đất khó.
Từ khi nghỉ hưu đến nay đã hơn chục năm, bất kể ngày mưa hay nắng; thậm chí cả ngày nghỉ, bác vẫn đều đặn đến cơ quan để giải quyết công việc. Bác luôn dành nhiều thời gian để gửi thư ngỏ hoặc trực tiếp đến các cơ quan, đơn vị trên địa bàn để vận động ủng hộ Quỹ Khuyến học. Dù sức khỏe không còn như trước, nhưng bác vẫn sắp xếp thời gian trực tiếp đến các huyện, xã và các cơ sở Hội để tháo gỡ những khó khăn trong quá trình hoạt động. Nhiều hộ dân và cán bộ Hội Khuyến học các huyện vùng cao như: Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc…, đã không còn xa lạ với hình ảnh vị Chủ tịch Hội Khuyến học với mái đầu bạc trắng lặn lội đến từng thôn, bản để động viên kịp thời những gia đình học tập tiêu biểu. Với những nơi phong trào yếu, bác trực tiếp đến làm việc với lãnh đạo địa phương để tìm cách tháo gỡ…
Trong suốt những năm qua, bác luôn cùng tập thể Hội Khuyến học tỉnh tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, kế hoạch, văn bản để lãnh, chỉ đạo công tác KHKT và xây dựng xã hội học tập trên địa bàn. Chủ động phối hợp với các ngành, tổ chức xã hội, trung tâm học tập cộng đồng mở các hình thức học tập mới, tạo cơ hội học tập, nâng cao kiến thức cho các đối tượng khác nhau; đồng thời triển khai hiệu quả các phong trào như: Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời, ngày sách Việt Nam, các hoạt động tuyên dương gương sáng KHKT… Bác còn dành thời gian biên soạn tài liệu về khuyến học, xây dựng xã hội học tập gửi các sở, ban, ngành ở cả huyện và tỉnh để giúp lãnh đạo các cấp tiếp cận sâu hơn chủ trương xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời.
Những năm qua, công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập của tỉnh đã phát triển rộng khắp; khích lệ các tầng lớp nhân dân tích cực học tập, trau dồi kiến thức cũng như tiếp thêm nghị lực cho hàng nghìn học sinh nghèo vượt khó, vươn lên; bác De chia sẻ: “Một khi đã được tổ chức tin tưởng phân công thì mình phải nỗ lực, tâm huyết, tận tụy, sáng tạo để trả lại tín nhiệm cho tổ chức bằng những việc làm cụ thể. Tôi chỉ mong mình có được sức khỏe để tiếp tục đóng góp một phần nhỏ cho công tác KHKT và sự nghiệp giáo dục chung của tỉnh nhà”. Chúng tôi biết rằng, thời gian sẽ làm cho mái đầu của bác thêm phần bạc, nhưng sự nhiệt huyết và tận tâm dành cho công tác KHKT vẫn như một ngọn lửa cháy mãi, bởi những em nhỏ “khát chữ” nơi miền đá vẫn đang chờ đợi bác.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc