Quản Bạ bảo tồn các loại dược liệu quý
BHG - Huyện Quản Bạ được thiên nhiên ưu ái nên sở hữu nhiều loại dược liệu quý, mang giá trị y dược cao. Vì vậy, để bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đặc biệt các loài dược liệu quý hiếm, huyện đã và đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nhiều sản phẩm có giá trị.
Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Tam Sơn chăm sóc vườn thuốc nam. |
Quản Bạ hiện thu hút 7 HTX, 2 công ty, trên 5 hộ dân đầu tư phát triển dược liệu, tổng diện tích đạt trên 2.890 ha. Trong đó, trên 2.618 ha đang thời kỳ chăm sóc và thu hoạch gồm các loại: Thảo quả, Hương thảo, Ngũ gia bì, Đương quy, Ấu tẩu, Atiso, Đan sâm… Ngoài ra, còn những cây thuốc quý như Ba kích, Sa nhân, Hoàng liên, Hà thủ ô, Hoàng đằng và nhiều loài thuốc của các lang y có giá trị chữa bệnh cao được mọc tự nhiên vùng núi cao, dưới tán rừng rậm. Cùng với đó là sự phong phú về nguồn tri thức bản địa của người dân trong việc khai thác, sử dụng cây thuốc trị bệnh, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, tình trạng khai thác, buôn bán cây thuốc tự phát diễn ra khá phổ biến, điều này không chỉ làm suy giảm nguồn tài nguyên, tính đa dạng sinh học mà còn làm cạn kiệt, thậm chí là sự biến mất của nhiều loại cây thuốc quý hiếm.
Bà Viên Thị Thiết, lang y chuyên bốc thuốc chữa bệnh xơ gan, hiếm muộn, ung thư gan, sỏi thận, viêm màng thận tại tổ 1, thị trấn Tam Sơn chia sẻ: Từ 15 tuổi, tôi đã theo các thầy hái thuốc, hồi đó còn nhiều loài thuốc dễ kiếm. Ngày nay, muốn hái thuốc phải đi rừng xa, có hôm đi cả ngày cũng không hái được. Đặc biệt, các loài thuốc chữa bệnh hiếm muộn, ung thư gan... giờ rất khó kiếm; những loài thuốc chữa ho, bệnh phụ khoa dễ trồng, có thể trồng tại vườn; nhưng những loại thuốc chỉ lấy rễ, vỏ cây thì không thể trồng được.
Thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tế từ cây dược liệu rất lớn, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, được nhiều người lựa chọn. Cây dược liệu của Quản Bạ hiện đang được khai thác và sử dụng theo 2 nguồn chính là: Nguồn dược liệu tự nhiên và dược liệu trồng. Riêng nguồn dược liệu tự nhiên, hiện chưa đánh giá, xác định diện tích cụ thể do chủ yếu mọc trong rừng.
Đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cho biết: Hiện, trên địa bàn huyện có 248 hội viên hội Đông y và hơn 105 lang y, bà mế. Để bảo tồn và phát triển các loài dược liệu, đặc biệt là các loài dược liệu quý hiếm, thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX dược liệu mở rộng diện tích, nhân rộng loài; duy trì hiệu quả vườn thuốc nam tại các trạm y tế, bệnh viện đa khoa; quan tâm hơn nữa đến các hội viên hội đông y, các lang y...
Bài, ảnh: VƯƠNG MAI
Ý kiến bạn đọc