Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân
BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng chung sống, những năm qua, MTTQ các cấp trong tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, chức năng chăm lo, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Nhờ đó, khối đại đoàn kết các dân tộc được tăng cường, KT – XH vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc, bản sắc văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy.
Bà con dân tộc Cờ Lao, xã Túng Sán (Hoàng Su Phì) thi kéo co trong Ngày hội truyền thống. |
Hiện nay toàn tỉnh còn 134 xã khu vực III; 1.408 thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những xã, thôn đặc biệt khó khăn này tập trung phần lớn đồng bào DTTS sinh sống; với đặc điểm địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, thường xuyên hứng chịu thiên tai và khí hậu khắc nghiệt nên ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân.
Để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đồng bào DTTS trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, MTTQ các cấp luôn đặt công tác tuyên truyền, vận động lên hàng đầu; chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc, thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ mê tín dị đoan. Đồng thời, vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; trọng tâm là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” phù hợp với đặc điểm, phong tục, tập quán của địa phương, dân tộc.
Thi thêu, ghép hoa văn truyền thống trong Ngày hội Văn hóa dân tộc Lô Lô và Lễ mừng ngô mới huyện Mèo Vạc. |
Một trong những hoạt động được chú trọng nhất là vận động nhân dân các dân tộc cùng tham gia sinh hoạt ở các tổ chức hội, đoàn thể; từ đó tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Trong đó, Hội Nông dân tỉnh với 113.250 hội viên và trên 45 vạn lao động, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu dân số và lao động của tỉnh; nông dân đã và đang phát huy vai trò chủ thể trong tái cơ cấu nông nghiệp, tích cực xóa đói, giảm nghèo và đẩy mạnh xây dựng Nông thôn mới. Hội Cựu chiến binh tỉnh với hơn 25.000 hội viên, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giữ gìn an ninh trật tự, giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Hội LHPN tỉnh và Hội Liên hiệp Thanh niên làm tốt nhiệm vụ thu hút, tập hợp nhân dân các dân tộc tham gia sinh hoạt hội với hệ thống các chi hội vươn dài đến 100% các thôn, bản. Từ đó, tạo không khí thi đua sôi nổi trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng, phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, coi đây là nhân tố quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị vùng DTTS. Trong 5 năm qua (2014 – 2019), MTTQ tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 17 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức cho trên 2.000 lượt người có uy tín vùng đồng bào DTTS. Tổ chức hội nghị biểu dương người có uy tín tiêu biểu; đưa các đại biểu người DTTS có uy tín tiêu biểu đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số tỉnh, thành trong nước; chú trọng bồi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi cho người có uy tín vùng DTTS phát huy vai trò trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc triển khai và tổ chức hiệu quả Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc hàng năm đã tạo không khí vui tươi, ấm áp, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc trong cộng đồng dân cư. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao đã góp phần làm cho tinh thần đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm giữa các dân tộc trong khu dân cư thêm khăng khít, gắn bó; từ đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT – XH của địa phương.
Với sự chăm lo của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, tổ chức đoàn thể và sự chung tay của toàn xã hội; những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua từng năm, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư, nâng cấp; nhất là hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, điện sinh hoạt, thiết chế văn hóa... Khoảng cách phát triển giữa vùng đồng bào DTTS với các địa bàn dân cư khác ngày càng được thu hẹp, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc