Bắc Mê với chủ trương xây dựng mỗi xã một sân vận động
BHG - “Mỗi xã nên có một sân bóng đá, sân vận động cho thanh niên; việc này chỉ cần máy san ủi, chứ không nhất thiết phải trồng cỏ như sân Mỹ Đình để thanh niên tập luyện, có chỗ chơi bóng, có các hoạt động thanh niên...”. Đây là phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Để hiện thực hóa vấn đề trên, thời gian qua, huyện Bắc Mê đã giao Huyện đoàn xây dựng và phát động phong trào mỗi xã nên có một sân vận động; nhằm tạo sân chơi cho thanh, thiếu niên trên địa bàn.
Các sân vận động không chỉ là sân chơi thể thao mà còn là nơi người dân tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ (người dân xã Minh Sơn tổ chức cúng Còn tại sân vận động thôn Ngọc Trì). |
Hiện nay, 12/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều đã có 1 sân vận động; nhiều xã đã vận động và xây dựng được từ 3 – 4 sân tại các thôn. Đánh giá về hiệu quả, sự hưởng ứng của các đoàn xã, đồng chí Triệu Văn Khang, Phó Bí thư Huyện đoàn cho biết: “Là một phong trào mới được xây dựng, nhưng do tính cấp thiết và là mong muốn của đoàn viên, thanh niên; nên trong thời gian ngắn, phong trào đã có sức lan tỏa rộng. Để thực hiện, mỗi đoàn xã có cách làm riêng trong việc huy động vốn và sân bãi. Từ đó, tạo hiệu quả rất lớn; đặc biệt là khích lệ thanh niên trong việc tham gia các phong trào thể dục, thể thao...”.
Là một trong những đoàn xã đi đầu và xây dựng được nhiều sân; anh Nông Trí Bền, Bí thư Đoàn xã Minh Sơn chia sẻ: “Sau khi có chủ trương của Huyện đoàn, Đoàn xã Minh Sơn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đến các thôn vận động người dân hiến đất; thật may mắn, hầu hết các hộ đều ủng hộ và sẵn sàng tham gia. Qua đó, từ 1 sân ban đầu, giờ đã hình thành thêm được 3 sân bóng với diện tích mỗi sân là 2.000 m2 tại các thôn Ngọc Trì, Bản Vàn, Lùng Thóa. Cách làm của Đoàn xã là vận động người dân hiến đất và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ bảo vệ rừng làm chi phí. Ngoài chơi thể thao, sân còn được sử dụng làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ của người dân trong thôn...”.
Ngoài việc tạo sân chơi, các sân vận động được hình thành tại các xã đã góp phần trong việc xây dựng Nông thôn mới, phát triển KT – XH. Anh Hà Văn Thuận, Bí thư Đoàn xã Đường Âm cho biết: “Ý thức được lợi ích của việc tập luyện thể dục, thể thao của đoàn viên, thanh niên, Đoàn xã Đường Âm đã xây dựng sân vận động tại các thôn để tạo khu vui chơi, đặc biệt là thực hiện việc chăm lo đời sống văn nghệ, thể dục, thể thao của người dân. Đến nay, Đoàn xã đã vận động bà con nhân dân hiến được trên 20.000 m2 để xây dựng sân tại các thôn: Pom Cút, Nà Phiêng, Độc Lập với số tiền hơn 200 triệu đồng...”.
Không phải những sân cỏ nhân tạo hiện đại, không mất chi phí thuê sân bãi; chiều về, trên sân vận động của các thôn, những đôi chân đất, những người còn lấm lem bùn từ đồng ruộng, trên nương lại hòa mình vào những trận bóng đá, bóng chuyền hơi gay cấn. Chị Nông Thị Vấn, xã Minh Sơn chia sẻ: “Vì xã còn ít điểm vui chơi, bởi vậy, chỉ vào dịp lễ, tết các hoạt động giao lưu với những trò chơi truyền thống mới được tổ chức như: Đẩy gậy, kéo co, ném còn... Sân chơi cũng hạn hẹp, chủ yếu tại sân UBND xã, trường học, bởi vậy ít người được tham gia. Kể từ khi có các sân vận động tại các thôn, từ 16 giờ chiều, mọi người đã tập trung tại sân khởi động và bắt đầu cho những trận đấu bóng chuyền, bóng đá sôi động...; vừa lành mạnh, vừa tốt cho sức khỏe và đặc biệt là thêm tình gắn kết”.
Từ những sân vận động giản đơn, với hình thức san ủi những mô đất trống cùng những nét kẻ vẽ làm bằng vôi đã tạo nên không khí thi đua sôi động không chỉ của đoàn viên, thanh niên mà còn là của toàn thể nhân dân đến rèn luyện thể thao sau mỗi buổi lao động mệt nhọc; tạo sân chơi giao lưu học hỏi giữa các thôn, các xã trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc