Vì cộng đồng không còn nạn mua, bán người
BHG - Là tỉnh biên giới, có nhiều huyện tiếp giáp với nước bạn Trung Quốc, địa hình hiểm trở, trình độ dân trí còn thấp… nên tình trạng mua, bán người (MBN) diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống MBN.
Nạn nhân Phàn Thị X, thôn Nà Trang, xã Yên Định (Bắc Mê) bị lừa bán sang Trung Quốc, may mắn được trở về với gia đình. |
Số liệu thống kê của ngành chức năng cho thấy, giai đoạn (2016-2018) toàn tỉnh phát hiện 34 vụ/45 đối tượng có hành vi MBN với 54 nạn nhân. Với mục tiêu giảm nguy cơ bán người, giảm tội phạm MBN, thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng; Hội LHPN tỉnh triển khai thực hiện một số hoạt động hiệu quả, có sức lan tỏa tới cộng động; đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ để tổ chức hoạt động phòng, chống MBN ngay từ cơ sở.
Thời gian qua, các cấp Hội đã tổ chức được 255 buổi truyền thông tại các phiên chợ, trường học dưới hình thức sân khấu hóa; phổ biến số điện thoại đường dây nóng phòng, chống MBN... thu hút trên 60.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ, học sinh và nhân dân tham gia. Trong các buổi truyền thông tại chợ phiên, Hội đã vận động những nạn nhân bị mua, bán trở về làm cộng tác viên, chia sẻ những câu chuyện của bản thân. Đồng thời, phối hợp với các ngành, lực lượng vũ trang tổ chức 52 hội thi tuyên truyền pháp luật về phòng, chống MBN tại các huyện, thành phố và trường học; tổ chức 18 cuộc diễn tập xử lý tình huống giải cứu phụ nữ, trẻ em bị mua, bán, bắt cóc ở các xã biên giới; tổ chức được 46 “Ngày hội pháp luật”, 15 diễn đàn “Học sinh với phòng, chống MBN và an toàn giao thông đường bộ”, “Bình đẳng giới, phòng, chống tảo hôn”.
Từ năm 2012, Hội LHPN tỉnh đã thành lập Phòng Tham vấn, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em bị bạo hành và bị MBN; tiếp nhận và tham vấn 132 ca liên quan đến MBN. Nhằm hỗ trợ nạn nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng, các cấp Hội thường xuyên quan tâm, động viên tinh thần, tranh thủ nguồn lực từ các dự án, hỗ trợ chị em tham gia học nghề, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, cách chăm sóc, phòng dịch bệnh cho gia súc; tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho 506 nạn nhân và đối tượng phụ nữ từng đi lao động trái phép qua biên giới vay vốn phát triển kinh tế.
Ngoài ra, các cấp Hội còn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phòng, chống tội phạm MBN, nổi bật là: 178 câu lạc bộ “Phụ nữ tìm hiểu pháp luật”, “Phụ nữ với pháp luật và đời sống” với trên 6.500 thành viên; 54 tổ “Phụ nữ tự quản, tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới” tại 34/34 xã biên giới với 605 thành viên; 870 “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng; duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động 210 câu lạc bộ (CLB) “Xây dựng gia đình hạnh phúc”; 247 CLB “Gia đình nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; 102 mô hình, CLB “Phòng, chống tệ nạn xã hội”, “Không có người thân nghiện ma túy, vi phạm pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với không tệ nạn xã hội”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Hội nàng dâu tự quản”... Đồng thời, gắn kết thực hiện phòng, chống MBN với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thực hiện 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tuyên truyền, giáo dục, vận động phụ nữ và gia đình thực hiện thay đổi hành vi, tạo chuyển biến trong rèn luyện phẩm chất, đạo đức...
Với những cách làm hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực, các cấp Hội Phụ nữ trong toàn tỉnh đã góp phần không nhỏ vào công tác phòng, chống MBN; cùng toàn xã hội ngăn ngừa, làm giảm tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em; chung tay vì một cộng đồng không còn nạn MBN.
Bài, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc