Trù Sán – con đường Áo ấm Cầu Giấy đại đoàn kết
BHG - Đó là tên một con đường mới được đầu tư tại thôn Trù Sán, xã vùng biên Sơn Vĩ (Mèo Vạc). Thôn nằm cách trung tâm xã 17 km, trong đó 3,7 km chưa có đường bê tông; người dân muốn ra xã thì phải đi bộ rất khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của các ban, ngành, đoàn thể huyện cùng các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm; đến nay, con đường đã được bê tông hóa, giúp người dân đi lại thuận tiện và trao đổi hàng hóa dễ dàng.
Cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang và nhân dân chung tay mở con đường Trù Sán. |
Thôn Trù Sán có 29 hộ, 149 khẩu; tất cả đều là dân tộc Mông. Trong đó, có đến 23 hộ nghèo, cận nghèo; không có hộ khá, giàu. Trước kia, thôn gần như bị tách biệt với thế giới bên ngoài, do địa hình bị chia cắt; và cách duy nhất để người dân trong thôn giao lưu với các địa phương khác là đi xuyên qua những vách đá dựng đứng, chênh vênh, bên dưới là vực sâu thăm thẳm. Từ trên cao nhìn xuống là dòng sông Nho Quế xanh ngắt bé xíu uốn lượn qua các chân núi. Để vào được trong thôn là cả một quá trình thử thách, sự can đảm của mỗi người khi vượt qua những vách đá dựng đứng. Càng đi vào sâu trong thôn, chúng tôi mới nhận thấy cuộc sống khó khăn, vất vả của người dân nơi đây. Ghé thăm ngôi nhà tềnh toàng của chị Sùng Thị Cá, trước mắt chúng tôi là 3 – 4 đứa trẻ vô tư nô đùa với những bộ quần áo cũ, cái thì rách vai, cái thì thủng ở mông… Chị Cá tâm sự: Người dân ở đây vất vả lắm, một năm chỉ trồng được một vụ ngô; nên năm nào cũng thiếu đói khoảng hai đến ba tháng. Lúc không đủ ăn, người nào có sức khỏe thì đi làm thuê, không thì đành chịu đói. Không chỉ thiếu cái ăn, cái mặc; mà người dân còn thiếu cả nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Trong thôn cũng có hệ thống bể chứa nước, lu chứa nước; nhưng tất cả đều cạn, muốn có nước thì người dân phải hứng nước mưa để dùng và dùng một cách tiết kiệm nhất có thể. Khi được hỏi về mong muốn của mình, chị Cá liền chỉ tay về đầu thôn: “Giờ mình và mọi người muốn có một con đường bê tông vào thôn để thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa; được như vậy, chắc cuộc sống sẽ bớt vất vả và cái đói, cái nghèo sẽ không còn đeo bám suốt nữa”.
Con đường hoàn thành tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân. |
Thấu hiểu nỗi lòng của người dân các cấp, ngành huyện Mèo Vạc đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể, cá nhân mọi miền chung tay, giúp đỡ làm con đường vào thôn. Mong muốn và ước mơ đó cuối cùng cũng đã thành hiện thực; khi hai nhóm thiện nguyện là Áo ấm trao yêu thương và Nhóm Cầu Giấy trao yêu thương (Hà Nội) cùng một số mạnh thường quân ở Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ kinh phí để mở đường. Con đường được khánh thành vào ngày 20.7.2019, với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Công trình có chiều dài gần 3,7 km, rộng 1 m, bê tông dày 20 cm. Để bê tông hóa con đường trên, huyện Mèo Vạc và xã Sơn Vĩ đã tổ chức 16 buổi phát động Ngày thứ 7 để cán bộ, nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM, với trên 2.500 ngày công của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia mở rộng, nâng cấp, tạo nền đường. Sau hơn 7 tháng thi công, con đường đã hoàn thành; tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho người dân.
Đồng chí Trần Quang Minh, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: Con đường mang tên “Trù Sán – con đường áo ấm Cầu Giấy đại đoàn kết” được hoàn thành là nhờ sự đoàn kết của cộng đồng, sự đồng thuận của tất cả mọi người không ngại nắng, mưa, gió rét cùng đóng góp ngày công làm đường. Con đường hoàn thành có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng cao biên giới, tạo động lực để phát triển KT – XH, đảm bảo AN – QP. Tuy nhiên, hiện hộ nghèo trong thôn còn chiếm tỷ lệ cao, điều kiện phát triển kinh tế, sinh hoạt, công tác khám, chữa bệnh, học tập của người dân và học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn... Do đó, huyện rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp cùng cá nhân trong và ngoài huyện.
Bài, ảnh: HOÀNG TUYẾN
Ý kiến bạn đọc