Sàng lọc trước sinh, sơ sinh giúp nâng cao chất lượng dân số
BHG - Sàng lọc trước sinh và sơ sinh (SLTS&SS) là giải pháp quan trọng nhằm phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh; để những đứa trẻ được sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh, tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Thai phụ khám sàng lọc trước sinh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: PV |
Thực tế, thời gian qua, có nhiều trẻ sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh. Nguyên nhân chính do việc khám SLTS&SS còn nhiều hạn chế. SLTS là sử dụng các biện pháp thăm dò trong thời gian mang thai để chẩn đoán, xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi, như: Hội chứng Down, dị tật ống thần kinh, loạn dưỡng cơ, thiếu máu nặng, tim bẩm sinh. Các bà mẹ mang thai cần thực hiện khám định kỳ để phát hiện dị tật trong từng giai đoạn phát triển của thai nhi. SLSS bằng biện pháp lấy máu gót chân của trẻ trong vòng 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền, như: Thiểu năng trí tuệ, suy giáp bẩm sinh, tán máu bẩm sinh… Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc SLTS khi bà mẹ khám định kỳ, siêu âm, xét nghiệm trong thời kỳ mang thai sẽ giúp biết chính xác từ 80 - 90% thai nhi khỏe mạnh hay có vấn đề bất thường. SLTS&SS sẽ giúp thầy thuốc can thiệp sớm, hạn chế thấp nhất dị tật từ trong bụng mẹ và giúp trẻ sinh ra phát triển bình thường.
Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của BCH T.Ư về công tác dân số trong tình hình mới đặt ra nhiều giải pháp quan trọng; trong đó yêu cầu cần phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân để nâng cao chất lượng dân số một cách toàn diện. Thực hiện Nghị quyết số 21, những năm qua, tỉnh đã đẩy mạnh công tác SLTS&SS; triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”. Ngành Y tế phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương triển khai nhiều mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân với nhiều hoạt động, như: Tổ chức tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn, chợ phiên; duy trì hoạt động của các câu lạc bộ tiền hôn nhân… Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với các địa phương tổ chức 45 cuộc tuyên truyền lồng ghép nội dung SLTS&SS cho trên 3.150 lượt người nghe; tư vấn cho trên 18.200 thai phụ, sản phụ và gia đình sản phụ về các nội dung, mục đích, ý nghĩa của hoạt động SLTS&SS. Các đơn vị chức năng thực hiện 2.150 ca SLTS; phát hiện 7 trường hợp nghi ngờ mắc các dị tật bào thai và tư vấn đình chỉ thai nghén 4 trường hợp. Tỷ lệ phụ nữ sinh được quản lý thai đạt 91%, được khám thai trên 3 lần trong thời kỳ thai nghén đạt 75%. Theo lãnh đạo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, khó khăn nhất hiện nay trong thực hiện SLTS&SS là nhận thức của người dân, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, nên việc vận động các gia đình đưa trẻ có xét nghiệm có nguy cơ cao bị các bệnh, tật bẩm sinh đi khám lại ở tuyến trên gặp nhiều khó khăn.
Nghị quyết số 21 xác định mục tiêu đến năm 2030, 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. Để đạt mục tiêu trên, ngoài nỗ lực của ngành chức năng, các thai phụ nên tham gia SLTS&SS để sinh ra những đứa con khỏe mạnh, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc