Quản Bạ xây dựng biên giới hữu nghị
BHG - Sau 10 năm hoàn thành phân giới, cắm mốc (PGCM), chính quyền huyện Quản Bạ đã làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới; đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế biên mậu, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Lễ ký kết nghĩa giữa 5 xã biên giới huyện Quản Bạ với các hương, trấn của huyện Ma Ly Pho (Trung Quốc). |
Sau khi hoàn thành công tác PGCM từ năm 2009 đến nay, huyện Quản Bạ được giao quản lý, bảo vệ 54,463 km đường biên giới với 89 cột mốc, thuộc địa bàn 5 xã biên giới. UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các Đồn Biên phòng, UBND các xã biên giới làm tốt công tác tuyên truyền 3 Văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam – Trung Quốc cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn với hơn 1.200 buổi tại các ngày họp chợ, sinh hoạt chi bộ thôn, ngày đại đoàn kết… Qua đó, giúp người dân nâng cao hiểu biết về đường biên, mốc giới cùng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, huyện luôn quan tâm chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với BĐBP tổ chức phát quang, tu sửa hệ thống đường tuần tra biên giới, đường lên các mốc giới đảm bảo tạo thuận lợi cho quá trình tuần tra, bảo vệ biên giới. Tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 39/CT-UBND của UBND tỉnh về phong trào “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn ANTT xóm, bản khu vực biên giới” và Chỉ thị số 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua đó, đã động viên và phát huy được vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ biên giới và đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Thông qua công tác bảo vệ đường biên, mốc giới; quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa chính quyền địa phương hai bên biên giới cũng được nâng lên; các hoạt động đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân được đẩy mạnh phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Đặc biệt, huyện Quản Bạ đã tích cực phát triển kinh tế biên mậu, tạo điều kiện cho nhân dân giao thương, buôn bán với nước bạn thông qua 2 cặp lối mở tại Mốc 325 thuộc xã Nghĩa Thuận và Mốc 291/2 thuộc xã Cao Mã Pờ. Theo lãnh đạo xã Cao Mã Pờ, trước đây, tỷ lệ hộ nghèo của xã luôn ở mức cao, chiếm 41,11%; từ khi có chủ trương của huyện về phát triển kinh tế biên mậu, đầu tư mở chợ ở gần Mốc 291 đã khuyến khích bà con vùng biên tăng cường giao thương, buôn bán để nâng cao thu nhập và đời sống. Đồng thời, thực hiện Chương trình hợp tác giữa UBND tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và Chính phủ nhân dân châu Văn Sơn (Trung Quốc), giai đoạn 2016 – 2020; hiện, huyện Quản Bạ có 16 lao động đang làm việc tại thành phố Bách Sắc, Quảng Tây. Đã ký kết nghĩa cụm dân cư biên giới giữa 5 xã biên giới của huyện Quản Bạ với hương Bát Bố, Hạ Kim Xưởng, trấn Thiên Bảo, huyện Ma Ly Pho. Qua các hoạt động giao lưu, trao đổi; giúp cho quan hệ hợp tác, hữu nghị, tình cảm của nhân dân hai bên biên giới ngày càng thắt chặt.
Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Quản Bạ tiếp tục quán triệt thực hiện hiệu quả 3 Văn kiện pháp lý về quản lý, bảo vệ biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ và nhân dân để vận dụng tốt vào quá trình công tác và bảo vệ biên giới trên địa bàn; đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân biên giới nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm và phát huy sức mạnh tổng hợp trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc