Điểm sáng xã hội hóa giáo dục
BHG - Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Đồng Văn đã nỗ lực đẩy mạnh phát triển giáo dục một cách toàn diện. Tuy nhiên, tại các xã, thị trấn, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời cho việc giảng dạy và học tập, cũng như chăm lo đời sống học sinh. Để từng bước khắc phục những hạn chế, ngoài sử dụng nguồn ngân sách, chính quyền các xã đã chủ động kêu gọi sự ủng hộ, đóng góp của xã hội trong xây dựng các công trình giáo dục. Trong đó, Vần Chải trở thành điểm sáng trong công tác kêu gọi, kết nối các nhà đầu tư, nhóm thiện nguyện xây dựng nhiều công trình, đáp ứng cơ bản yêu cầu giáo dục và đào tạo trên địa bàn xã.
Nhà lưu trú học sinh xã Vần Chải được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. |
Vần Chải có 13 thôn, 808 hộ; trong đó, dân tộc Mông chiếm 99%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cơ sở hạ tầng của xã, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giáo dục được đẩy mạnh đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảng dạy, học tập và ăn nghỉ của học sinh. Cấp ủy, chính quyền địa phương ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân cũng hết sức quan tâm đến xây dựng các công trình phục vụ dạy và học trên địa bàn, đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, kêu gọi đầu tư.
Khu phòng ở dành cho học sinh khang trang, sạch đẹp. |
Để thực hiện tốt xã hội hóa giáo dục, chính quyền địa phương và nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; phát huy sức mạnh của cá nhân, tập thể trong việc đóng góp vào mỗi công trình; để người dân nhận thấy ý nghĩa to lớn của những công trình giáo dục được xây dựng. Từ đó, tự nguyện đóng góp kinh phí, ngày công tạo mặt bằng, xây dựng, tu sửa trường, lớp học. Trong 2 năm 2018, 2019 xã đã kêu gọi được trên 2,5 tỷ đồng cho giáo dục; xây dựng được 3 điểm trường nhà lắp ghép và nhiều phần quà trao tặng học sinh; xây dựng sân chơi… Năm 2019, xã đã phối hợp với Phòng GD&ĐT kêu gọi Nhóm thiện nguyện Ong Chăm (Hà Nội) ủng hộ 400 triệu đồng; huy động thêm 230 triệu đồng của nhân dân xây dựng nhà lưu trú khang trang, sạch đẹp cho học sinh. Nhà lưu trú học sinh được khởi công từ tháng 6.2019, với thiết kế theo kiến trúc đồng bào Mông, 6 gian, 2 tầng, tổng diện tích sử dụng 370 m2. Qua hơn 2 tháng xây dựng, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, cơ bản giải quyết chỗ ăn, nghỉ của học sinh.
Trong niềm vui ngày khánh thành nhà lưu trú, anh Trần Ngọc Giác, Chủ tịch UBND xã Vần Chải chia sẻ: Với xuất phát điểm thấp, nhất là về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy; nơi ăn, ở của học sinh bán trú không đủ đã làm cho giáo dục của xã gặp vô vàn những khó khăn. Trước thực trạng đó, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền xã đã kết nối, kêu gọi các tổ chức từ thiện đầu tư kinh phí, cùng nhân dân giúp đỡ ngày công. Đến nay, cơ sở vật chất, mạng lưới trường, lớp của xã đã đổi thay rất nhiều; học sinh được học trong môi trường giáo dục tốt.
Những kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa giáo dục đã góp phần sẻ chia những khó khăn với học trò nghèo nơi vùng cao biên giới. Đó cũng chính là động lực, sức mạnh để thầy cô và các em học sinh vươn lên trong sự nghiệp trồng người.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc