Cần nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Học tập cộng đồng tại Xín Mần
BHG - Trong những năm qua, các Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) huyện Xín Mần đã tạo nhiều cơ hội cho bà con vùng dân tộc thiểu số được học tập, tiếp thu những kiến thức trong các lĩnh vực của đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao năng suất lao động; tạo ra nhiều việc làm tại địa phương. Tuy vậy, vẫn còn không ít khó khăn để mỗi TTHTCĐ hoạt động đúng, hiệu quả với chức năng của mình.
Buổi thực hành chăm sóc cây chè của học viên Trung tâm Học tập cộng đồng xã Cốc Rế. |
Hầu hết các TTHTCĐ trên địa bàn huyện đều đang hoạt động với mô hình kiêm nhiệm các chức danh nên bị hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức điều hành tại địa phương. Cơ sở vật chất được lồng ghép, trang thiết bị, tài liệu phục vụ học tập còn nghèo nàn là những hạn chế của các TTHTCĐ. Hiện nay, với sự giúp sức của các thầy, cô giáo do Phòng Giáo dục - Đào tạo bố trí tăng cường nên đã góp phần tổ chức các hoạt động đa dạng và hiệu quả hơn. Các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất và xóa mù chữ tại các thôn bản được mở thường xuyên. Tuy nhiên, vẫn còn không ít vướng mắc trong hoạt động phối hợp giữa giáo viên với cơ sở...
Trao đổi với cô giáo Vàng Thị Hương, Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Thu Tà được biết: Nhiều nhiệm vụ và chức năng của cô trùng với cán bộ tại xã, bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đoàn thể địa phương với Trung tâm chưa được hiệu quả nên các chương trình tuyên truyền và lớp học nhiều lúc chưa được như mong muốn. Nhận thức của người dân cũng chưa cao, họ chỉ muốn đi làm để kiếm tiền; nên công tác vận động đi học các lớp nâng cao nghiệp vụ về chăn nuôi, trồng trọt, lớp phổ cập dân trí đều rất vất vả. Việc phối hợp của các xã như: Cốc Rế, Tả Nhìu, Nấm Dẩn khá tốt, TTHTCĐ xã đã đồng hành cùng người dân trong phổ biến kiến thức pháp luật, sản xuất, chăn nuôi, chăm sóc chè, hướng dẫn nuôi ong lấy mật đã giúp cho bà con nơi đây tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng. Tuy nhiên, việc vận động bà con theo học các lớp xóa mù chữ vẫn còn không ít khó khăn; do bà con không mấy mặn mà với các lớp học tại thôn, xã.
Mô hình TTHTCĐ hiện đang có ít nhiều lạc hậu so với sự phát triển của thời đại số hóa ngày nay, khi các thông tin đại chúng và mạng xã hội đang phát triển nhanh; thông tin kiến thức cập nhật từng ngày, từng giờ thì các TTHTCĐ vẫn hoạt động theo phương thức cũ kỹ so với sự phát triển chung. Để các TTHTCĐ bắt kịp xu thế và hoạt động hiệu quả, rất cần sự quan tâm đầu tư và những cách làm sáng tạo của mỗi địa phương.
Bài, ảnh: Trọng Toan
Ý kiến bạn đọc