Tận cùng nỗi đau da cam
BHG - Có lẽ trên đời này, không có nỗi đau nào hơn sự đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần như các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin phải chịu đựng. Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta từ năm 1954 đến năm 1975 đã kết thúc thắng lợi và trôi qua 44 năm, nhưng di chứng của cuộc chiến tranh, đặc biệt là di chứng mà các nạn nhân chất độc da cam/dioxin phải chịu đựng vẫn kéo dài xuyên năm tháng; đặc biệt, đến nay đã xuất hiện thế hệ thứ 3 là con, cháu của các nạn nhân vẫn bị nhiễm và phát bệnh. Hàng ngày, hàng giờ, những nạn nhân da cam đã và đang chịu đựng nỗi đau khôn cùng; song mong muốn của họ chỉ đơn giản là họ và con cháu của họ nhận được sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng để bớt đi những đau, khổ.
Lãnh đạo Công ty TNHH Sơn Lâm trao nhà tình nghĩa cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Lý Văn Tàu, thôn Tạm Mò, xã Yên Định (Bắc Mê). |
Căn nhà của bà Nguyễn Thị Chiều ở tổ 2, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang bao năm nay vẫn vắng tiếng cười; thỉnh thoảng có tiếng kêu ú ớ, đó là tiếng kêu của anh Nguyễn Văn Thanh 44 tuổi con trai bà. Đã 44 năm trôi qua, gia đình bà luôn lo lắng, căng thẳng suốt ngày, đêm… Anh Thanh sinh ngày 4.2.1975, khi được sinh ra, cơ thể của anh mềm như bún và chẳng động đậy gì, khó khăn nhất là mỗi khi gia đình tắm cho anh...; anh ốm nhiều hơn khỏe, chỉ ú ớ kêu, gào và để đâu thì nằm đấy; gia đình không thể làm được việc gì, mọi sinh hoạt cá nhân của anh đều do mẹ anh chăm sóc. Nguyên nhân bệnh của anh được xác định là do nhiễm chất độc da cam/dioxin mà người cha mang về từ chiến trường Tây Nam; giờ đây, khi đã ở tuổi 76, bà Nguyễn Thị Chiều chỉ có một ước nguyện duy nhất: Trước khi qua đời, bà đưa được người con yêu quý của mình vào Trung tâm Điều dưỡng người tàn tật để có người chăm sóc nuôi dưỡng.
Là nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin, nên ông Nguyễn Thế Hiệu, thôn Tâm Lâm, xã Quang Minh (Bắc Quang) có cuộc sống vô cùng khó khăn; ông Lâm nguyên là cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy. Năm 1968, theo tiếng gọi của Tổ quốc; ông vào Nam tham gia chiến đấu ở chiến trường B3 Tây Nguyên, khi trở về, ông bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Vợ chồng ông sinh được 5 người con, 2 người con mất từ khi còn rất nhỏ; giờ còn 3 người con, 2 gái, 1 trai đều bị di chứng của chất độc da cam. Người chị thì vô thức, nhiều lúc chẳng cần áo, quần và không biết nói; suốt ngày chỉ ngủ với ngồi. Cô con gái thứ hai và cậu con trai trông như người bình thường, nhưng lại bị thiểu năng trí tuệ, thần kinh không ổn định, chẳng biết làm gì. Còn bản thân ông Hiệu, do ảnh hưởng chất độc da cam nên đau ốm thường xuyên; tất cả công việc trong nhà đều do vợ ông quán xuyến. Nay vợ chồng ông cũng đã bước sang tuổi 82, ông bà luôn đau đáu một điều khi chết đi, các con ông sẽ ra sao
Theo thống kê, toàn tỉnh ta hiện có 3.200 nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin và rất nhiều trong số đó dị tật bẩm sinh do các di chứng của chất độc da cam như: Liệt, chậm phát triển trí tuệ, mù, câm, điếc…, và còn trên 1.000 nạn nhân chưa được hưởng chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đều là những cựu chiến binh đã từng tham gia chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nhưng do không có giấy tờ chứng minh đã qua công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại chiến trường nhiễm chất độc da cam; các nạn nhân thế hệ thứ nhất giờ đã già, sức đã yếu; thế hệ thứ 2, thứ 3 ra đời cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam nên cuộc sống của họ đang gặp phải muôn vàn khó khăn; rất mong các bộ, ban, nghành sớm tìm ra giải pháp để có một văn bản tạo hành lang pháp lý để mỗi nạn nhân da cam đều được hưởng chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; giúp họ giảm bớt đau thương trong cuộc sống. Đồng chí Dương Tiến Soạn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tâm sự: Hiện nay, toàn tỉnh còn 1.215 trường hợp bị phơi nhiễm chất độc da cam dioxin ở chiến trường miền Nam, Campuchia, Lào vẫn chưa được hưởng chế độ. Đây là vấn đề khó nhất, vì các nạn nhân hiện đã ngoài 70 tuổi; những giấy tờ chứng minh các đối tượng tham gia hoạt động tại các chiến trường nêu trên hầu hết bị thất lạc, nên rất khó xác minh; mà quy định của thông tư liên tịch giữa Bộ LĐ-TBXH và Bộ y tế quy định về vấn đề này rất chặt chẽ. Chúng tôi mong cơ quan chức năng nghiên cứu, sửa đổi thông tư này hoặc có giải pháp hữu hiệu tạo thuận lợi để các nạn nhân được hưởng chế độ, đặc biệt là các đối tượng nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin đã bị mất hết giấy tờ. Tôi cũng mong các cấp, các ngành, các doanh nghiệp quan tâm giúp đỡ nạn nhân da cam để họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Dẫu biết rằng còn rất nhiều khó khăn, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang cần lắm sự chia sẻ, yêu thương của toàn xã hội để mỗi nạn nhân da cam xóa dần mặc cảm, sống hòa nhập cộng đồng… Bởi vậy các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và mỗi chúng ta hãy dành chút tấm lòng, chút tình cảm cùng chung tay xoa dịu nỗi đau của các nạn nhân da cam/dioxin.
Bài, ảnh: Phan Văn Đô
Ý kiến bạn đọc