Nhức nhối… rác thải
BHG - Mỗi ngày, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt khu vực đô thị được thu gom khoảng 156,7 tấn; khu vực nông thôn cũng lên đến hàng nghìn tấn, lần lượt đạt 93,5% và 27,4% tổng lượng rác thải phát sinh. Điều đó cho thấy, công tác thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường khu vực đô thị, nông thôn được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, công tác này vẫn bộc lộ không ít hạn chế.
Công nhân Trung tâm Dịch vụ Cấp, thoát nước và Môi trường huyện Vị Xuyên thu gom rác thải. |
Hiện nay, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực trung tâm, đô thị trên địa bàn các huyện, thành phố và 11/177 xã có trục giao thông chính gần trung tâm đô thị được Công ty Cổ phần Môi trường – Đô thị Hà Giang, Trung tâm Dịch vụ công cộng Môi trường và Cấp, thoát nước các huyện thực hiện. Toàn tỉnh có 5 huyện, thành phố xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp; 6 trung tâm huyện xây dựng lò đốt rác công suất 250 – 500 kg/giờ; 5 xã thuộc huyện Yên Minh, Vị Xuyên, Đồng Văn, Quang Bình xây dựng lò đốt rác công suất 300 kg/giờ. Tuy vậy, hiệu quả xử lý rác thải chưa cao, một số thông số kỹ thuật về đốt rác chưa đáp ứng yêu cầu. Còn việc xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp hiện phát sinh ô nhiễm; do một số bãi rác chưa được đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo quy chuẩn.
Lò đốt rác mini xã Việt Vinh (Bắc Quang) chưa phát huy hiệu quả. |
Cùng với đó, nhiều địa phương xây dựng lò đốt rác thủ công để xử lý rác thải tại cơ quan, cụm dân cư, gia đình. Song, hiệu quả xử lý của hệ thống này không đạt yêu cầu… điều này khiến một số lò đốt rác trở thành bãi rác mini hoặc cháy âm ỉ, phát sinh ô nhiễm khói và mùi. Không những vậy, ý thức bảo vệ môi trường của không ít người dân còn hạn chế, dẫn đến việc xả rác thải, chất thải bừa bãi tại cơ sở sản xuất, điểm công cộng, khu vui chơi, giải trí, sông, suối… trong khi việc ngăn chặn, xử lý vi phạm từ chính quyền sở tại ít được thực hiện.
Thực tế cho thấy, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực đô thị rất lớn, trong khi đó, việc xử lý chưa triệt để, gây bất bình dư luận. Nguyên nhân, một phần do diện tích bãi xử lý rác thải nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khó khăn về kinh phí. Kết quả giám sát việc thu gom, xử lý rác thải khu vực đô thị, nông thôn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015 – 2018 của Đoàn giám sát HĐND tỉnh hồi tháng 6 vừa qua cho thấy: Bãi rác thải của thành phố Hà Giang đã hết thời hạn, buộc phải đóng cửa nhưng hiện nay vẫn “gồng mình” hoạt động. Còn lò đốt rác tại xã Hữu Vinh (Yên Minh) không có kinh phí nên chỉ hoạt động được 6 giờ/ngày, xử lý 3/16 tấn rác thu gom mỗi ngày. Riêng bãi rác thải của huyện Vị Xuyên có thời điểm xử lý chưa triệt để, gây ô nhiễm môi trường…
Theo Quyết định số 1575, ngày 11.8.2014 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh Hà Giang đến năm 2025, thì giai đoạn 2016 – 2020 đặt mục tiêu: 85% chất thải sinh hoạt đô thị được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt đô thị; 70% chất thải rắn phát sinh tại các điểm dân cư nông thôn được thu gom, xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Thế nhưng, toàn tỉnh hiện chưa có bãi rác được đầu tư công nghệ xử lý theo mục đích tái chế, tái sử dụng; chưa có mô hình sản xuất phân bón, thu hồi năng lượng từ rác thải sinh hoạt. Bên cạnh đó, tại khu vực nông thôn, đa số các xã chưa có dịch vụ thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt; chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để; việc thu gom, xử lý chai, lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường…
Thực tế trên cho thấy, công tác thu gom, xử lý rác thải đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp, ngành, nhất là việc xử lý vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn ngay từ cấp chính quyền cơ sở; tạo cơ chế vận động, thu hút xã hội hóa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải rắn; rà soát, điều chỉnh quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng đảm bảo phù hợp với nhu cầu phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc