Hà Giang - Thu nay
BHG - Thu này, tôi trở lại Hà Giang quê ngoại, một tỉnh niền núi, biên giới xa xôi, đá núi chập chùng, giao thông đi lại khó khăn, nhiều đồng bào các dân tộc chung sống. Tuy cuộc sống vẫn còn gian khổ, song sự “thay da, đổi thịt” của Hà Giang là không thể phủ nhận, có thể nói là một sự đổi mới kỳ diệu, mang tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng Hồ chí Minh soi đường.
Một góc thành phố Hà Giang. Ảnh: PHI ANH |
Nhớ lại khi ông ngoại còn sống, những lần lên thị xã Hà Giang, tôi được ông kể về những năm tháng là chiến sỹ lái xe Điện Biên Phủ. Vốn là người phố Bạch Mai (Hà Nội), sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại miền Bắc, được chuyển ngành, ngoại không về quê hương mà xin lên tỉnh Hà Giang công tác, rồi lấy vợ là người dân tộc Tày, ở huyện Hoàng Su Phì. Ngoại là người chịu khó đọc sách, vì vậy ngoại hiểu về lịch sử của đất nước cũng như lịch sử của Hà Giang. Tôi còn nhớ, vào dịp mùa Thu năm 1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám, ngoại kể: Tại Hà Giang, cũng trong đêm ngày 9.3.1945 phát xít Nhật nổ súng đảo chính Pháp. Quân Nhật bắt các sĩ quan Pháp, tấn công chiếm các pháo đài, doanh trại lính, tỏa đi các nơi bắt lính Pháp. Sáng 10.3.1945, phát xít Nhật đã dùng lưỡi lê giết chết trên 30 lính Pháp một cách dã man tại bãi cát dưới chân cầu Yên Biên 1. Nhanh nhạy, sáng tạo, nắm bắt kịp thời yếu tố khách quan, cán bộ Việt Minh ở Đường Thượng đã họp và quyết định những nhiệm vụ quan trọng: Chiếm và phá đồn của Pháp, không cho Nhật chiếm đóng; phát động du kích đánh Nhật. Tiếp tục củng cố và phát triển cơ sở Việt Minh… Tiếng súng kháng Nhật ở tỉnh Hà Giang lan nhanh, phát triển rất mạnh, đặc biệt là ở huyện Bắc Mê - một vùng hẻo lánh của Hà Giang; đội vũ trang của ta đã quyết định giải phóng đồn Bắc Mê(*) để mở đường đưa sâu phong trào cách mạng và địa phương kháng Nhật.
Có được mùa Thu nay, chúng ta mãi mãi không bao giờ quên được mùa Thu cách mạng Tháng Tám 1945. 74 năm đi qua, từ mùa Thu cách mạng ấy, dân tộc ta, nhân dân ta đã phải trải qua những chặng đường đầy cam go và đã làm nên một thiên anh hùng ca của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Hà Giang, một tỉnh miền núi, biên giới sau 74 năm cuộc sống đã “thay da đổi thịt”. Những con đường mòn ngựa đi năm xưa ở vùng thấp hay nơi biên giới nay đã trở thành những con đường ô tô dài rộng vươn tới 195 xã, phường, thị trấn; đường bê tông vươn tới hầu hết các thôn, xóm… Ngày xưa gần 100 % người dân không biết chữ, nay trường học các bậc học từ Mầm Non, Tiểu học, THCS, THPT được xây dựng cao tầng hoặc khang trang ở các xã, phường; bậc THPT huyện nào cũng có từ 1-2 trường; trạm y tế được xây dựng cao tầng, sạch đẹp… Trình độ dân trí ngày một tăng cao đã tạo đà phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo của nhân dân ngày một đi lên. Cơ cấu kinh tế không ngừng đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lao động tăng.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ 2015-2020, giai đoạn 2016-2018 thực hiện 2 đột phá, 5 chương trình trọng tâm từng bước có hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,76% so 2017; có 19/48 chỉ tiêu đạt và vượt, 21 chỉ tiêu đạt từ 80% trở lên… thu nhập bình quân đầu người đạt 26,2 triệu đồng/năm… Lĩnh vực văn hóa, xã hội, du lịch, dịch vụ không ngừng phát triển. An sinh xã hội không ngừng được quan tâm; chăm lo đời sống của nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm xuống còn 31,17%. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền Quốc gia và an ninh biên giới được giữ vững, vị thế của Hà Giang ngày được nâng lên…
Thành phố Hà Giang hôm nay - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh không ngừng được chăm lo đầu tư phát triển. Từ một thị xã nghèo trước đây, cơ sở hạ tầng yếu kém, văn hóa, xã hội còn rất hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… Sau gần 10 năm lên thành phố, nhà cao tầng san sát, nhiều công trình kiến trúc cao tầng bề thế, khang trang mọc lên. Chương trình xây dựng Nông thôn mới – Đô thị văn minh đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Vẫn con sông Lô chảy giữa lòng thành phố năm xưa vắt vẻo chiếc cầu treo, hôm nay bắc qua sông nối đôi bờ là 3 chiếc cầu cứng xinh đẹp như những nàng tiên quyễn rũ mang tên: Yên Biên, Yên Biên 1, Yên Biên 2. Quảng Trường 26.3 được xây dựng giữa trung tâm thành phố bên bờ sông Lô hôm nay, chính trên nền đất Sân vận động thị xã lịch sử năm xưa Bác Hồ lên thăm ngày 26.3.1961 nói chuyện với cán bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang. Thị xã Hà Giang sau Cách mạng Tháng Tám dân số chỉ vài ngàn người, đói nghèo hầu như khắp thị xã. Đến năm 2018, dân số thành phố trên 60 ngàn người; thu nhập bình quân 43,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ nghèo còn 0,4 7%; tỷ lệ khá, giàu chiếm trên 71%... Thành phố Hà Giang đang là đơn vị dẫn đầu về thu nhập bình quân đầu người của tỉnh, phấn đấu năm 2020 sẽ đạt danh hiệu Nông thôn mới.
Hôm nay đất nước ta đã 44 năm hòa bình, thống nhất, non sông ta một dải; thực hiện 50 năm Di chúc của Bác Hồ, nhân dân ta đã và đang vững bước đi lên dưới sự lãnh đạo của Đảng, có tư tưởng Hồ Chí Minh soi sáng dẫn đường, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Có lẽ, trên thế giới này, chưa một nước nào có một mùa Thu kỳ lạ như ở Việt Nam, nó gắn liền với vận mệnh bất tử của một dân tộc như mùa Thu cách mạng Tháng Tám 1945.
Đặng Quang Vượng
* Hà Giang 110 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển - (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia).
Ý kiến bạn đọc