Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường học
BHG - Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020 được phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2017; nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường lớp học cho cấp mầm non và tiểu học, thay thế các phòng học tạm thời, bán kiên cố đã xuống cấp nghiêm trọng, nâng cao chất lượng dạy và học. Chỉ còn ít ngày nữa, năm học mới 2019 – 2020 sẽ bắt đầu; chủ đầu tư và các nhà thầu thi công đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các hạng mục đảm bảo cơ sở vật chất cho các trường học.
Trường Mầm non xã Ngam La (Yên Minh) đang được đầu tư xây dựng. |
Theo phê duyệt, Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2020 có tổng mức đầu tư trên 460,5 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng (ĐTXD) công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh được giao làm chủ đầu tư. Đề án có quy mô 144 công trình/671 phòng học tại địa bàn các huyện: Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Bắc Mê, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên, Bắc Quang và Quang Bình. Trong đó: Trường mầm non 83 công trình, 330 phòng; trường tiểu học 71 công trình, 341 phòng.
Tính đến ngày 8.7, các hạng mục công trình loại nhà 1 tầng đã triển khai thi công xây dựng 124/132 hạng mục; chưa triển khai thi công 8 hạng mục; khối lượng thi công ước đạt khoảng 85%. Với các hạng mục công trình loại nhà 2, 3 tầng đã và đang triển khai thi công xây dựng 72/75 hạng mục công trình; chưa triển khai thi công 3 hạng mục công trình; khối lượng thi công ước đạt khoảng 60%. Tổng nguồn vốn đã được bố trí từ nguồn Trái phiếu Chính phủ là 436,5 tỷ đồng, đã giải ngân được 314,3 tỷ đồng trong năm 2017 – 2018; dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành giải ngân 100%.
Ông Nông Văn Hưng, Phó Giám đốc BQL Dự án ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Tiến độ giải ngân, triển khai dự án và chất lượng công trình đến nay cơ bản đảm bảo theo kế hoạch và thiết kế. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và đôn đốc các nhà thầu thi công, nhất là trong kỳ nghỉ Hè vừa qua để đẩy nhanh tiến độ, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các trường trong năm học mới. Trong quá trình thực hiện có một số khó khăn khách quan, khiến một số hạng mục công trình chậm khởi công, hoàn thành và chưa bàn giao đúng lộ trình. Nhưng chắc chắn đến đầu năm học này, có thể hoàn thành bàn giao khoảng 50 – 70% số hạng mục công trình của Đề án cho các địa phương quản lý, đưa vào sử dụng.
Báo cáo tiến độ thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường học của BQL Dự án ĐTXD công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh ngày 8.7 cho thấy, sau gần 2 năm triển khai đến nay, mới có 19 hạng mục công trình được hoàn thành, chiếm khoảng 10%; nhưng cũng có 11 hạng mục công trình chưa thể khởi công xây dựng, chiếm khoảng 5%; 181 hạng mục còn lại vẫn đang trong quá trình thi công. Những hạng mục hoàn thành là rất nhỏ so với mong đợi và nhu cầu cấp thiết của các địa phương.
Nguyên nhân chưa có nhiều hạng mục công trình Đề án Kiên cố hóa được bàn giao đưa vào sử dụng do phần lớn được đầu tư ở điểm trường thuộc những nơi xa xôi, địa hình hiểm trở, thời tiết không thuận lợi; ảnh hưởng lớn đến hoạt động thi công. Ngoài ra, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng ở nhiều địa phương dẫn đến chậm tiến độ triển khai thi công. Một số đầu điểm công trình không còn mặt bằng thi công do chính quyền địa phương cho các nhà đầu tư khác xây dựng các công trình theo hướng xã hội hóa. Nhiều công trình được điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công theo nhu cầu sử dụng thực tế của địa phương...
Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Minh Nguyễn Ngọc Quyết cho biết: Huyện Yên Minh được đầu tư 29 hạng mục/132 phòng học cấp mầm non và tiểu học theo Đề án Kiên cố hóa của tỉnh. Để nhà thầu thi công xây dựng các công trình, huyện đã chỉ đạo tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư và nhà thầu thi công có mặt bằng xây dựng nên rất nhiều trường, điểm trường phải dồn ghép học sinh vào các lớp khác hoặc mượn nhà dân để tổ chức dạy học ngay từ năm học 2018 – 2019; với mong muốn nhà thầu thi công sớm hoàn thành các hạng mục giúp học sinh không còn phải học trong những lớp học chật chội.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc