Đảng bộ xã Cao Bồ tập trung lãnh đạo phòng, chống thiên tai
BHG - Cao Bồ là xã phía Tây của huyện Vị Xuyên, do địa hình có độ dốc lớn, địa chất không ổn định (đất pha cát, xít non) và lượng mưa lớn; nên hàng năm vào mùa mưa, bão thường xuyên xảy ra lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại đến người, tài sản, hoa màu của nhân dân. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm, Đảng bộ xã đã thực hiện nghiêm túc các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) trong mùa mưa, bão.
Điểm sạt lở đường vào thôn Tham Còn trong mùa mưa bão năm nay. |
“Rút kinh nghiệm những năm trước, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã kiện toàn BCĐ Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT – TKCN) của xã có đủ năng lực, trình độ ứng phó kịp thời với các tình huống thiên tai xảy ra. Bí thư chi bộ, trưởng các thôn, bản là thành viên BCĐ và có trách nhiệm theo dõi, thông tin, báo cáo các hiện tượng thời tiết cực đoan tại địa bàn mình về BCĐ của xã; chỉ đạo dân quân, công an viên và nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai xảy ra trên địa bàn…”. Đó là trao đổi của đồng chí Cháng Văn Chanh, Bí thư Đảng ủy xã Cao Bồ với chúng tôi. Theo sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã đã ban hành kế hoạch, phương án, quy chế PCTT-TKCN một cách chi tiết, cụ thể; nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra.
Dựa trên các loại hình thiên tai và rủi ro tương ứng thường xảy ra trên địa bàn, BCĐ xã đã xây dựng Phương án PCTT-TKCN với các nội dung như: Sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất; đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc; phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và TKCN; chủ động nguồn nhân lực ứng phó thiên tai; dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm... Cụ thể, ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy…, phải nhanh chóng sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp; bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, y tế, trường học, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất. Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, suối, tuyến đường bị ngập sâu, nơi có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và những khu vực nguy hiểm khác; bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai. Thực hiện hoạt động TKCN, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán…
Khu tái định cư thôn Tham Còn sau đợt lũ quét năm 2018. Ảnh: GIA BẢO |
Chủ tịch UBND xã, Trưởng BCĐ PCTT – TKCN xã Lý Quốc Hưng cho biết: Nhằm chủ động trong công tác PCTT, xã đã rà soát các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao và di chuyển 20/30 nhà dân đến nơi an toàn. Từ đầu mùa mưa bão đến nay, trên địa bàn xã chưa có thiên tai nghiêm trọng; chỉ xảy ra một số điểm sạt, lở ta – luy dương trên tuyến đường vào thôn Tham Còn và Gia Tuyến, lực lượng tại chỗ đã chủ động san gạt, thông tuyến kịp thời. Tuy nhiên, với hiện tượng cực đoan của thời tiết, chúng tôi luôn tuyên truyền cho người dân nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó với thiên tai. Lực lượng dân quân, công an viên tại 11/11 thôn ứng trực 24/24 giờ và có thông tin lập tức khi thiên tai xảy ra trên địa bàn về BCĐ để có biện pháp hỗ trợ kịp thời…
Với sự lãnh, chỉ đạo sâu sát trong công tác PCTT – TKCN của cấp ủy; chính quyền, đoàn thể xã và nhân dân các thôn đã thực hiện một cách nghiêm túc, đưa ra các phương án, biện pháp hành động cụ thể để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời, hiệu quả khi có thiên tai do mưa, bão gây ra.
TỐNG VĂN QUYẾT (Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc