Viện Chiến lược Chính sách Y tế làm việc với BCĐ Dân số - KHH&GĐ tỉnh
BHG - Ngày 31.7, tại Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS – KHHGĐ) tỉnh, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế phối hợp với Vụ tổ chức cán bộ, Bộ Y tế và Tổng cục DS - KHHGĐ đã có buổi làm việc với BCĐ công tác DS - KHHGĐ tỉnh nhằm đánh giá thực trạng và đề xuất mô hình tổ chức thực hiện công tác Dân số - Phát triển Việt Nam. Tham dự có đại diện các ngành thành viên BCĐ.
Lãnh đạo Viện Chiến lược Chính sách Y tế trao đổi về công tác dân số với các đại biểu. |
Hiện nay, mô hình tổ chức và đội ngũ công chức, viên chức làm công tác dân số ở các địa phương đã có nhiều thay đổi; đặc biệt là việc chuyển chi cục DS-KHHGĐ thành phòng dân số trực thuộc sở y tế; sát nhập trung tâm DS-KHHGĐ và trung tâm y tế đa năng cấp huyện. Tuy nhiên các địa phương thực hiện không nhất quán đã gây ra tình trạng xáo trộn, ảnh hưởng đến tâm lý của đội ngũ các bộ, viên chức người làm công tác dân số. Riêng đối với tỉnh Hà Giang, Chi cục DS - KHHGĐ tỉnh vẫn hoạt động độc lập, sử dụng con dấu riêng và đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ mà ngành Y tế giao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số xã, phường, thị trấn thường xuyên thay đổi, chế dộ chính sách đãi ngộ thấp; tuyến xã, phường 100% cán bộ dân số chưa được tuyển dụng vào biên chế nhà nước; chưa có kinh nghiệm về hoạt động tuyên truyền DS - KHHGĐ dẫn đến tình trạng mất cân bằng về giới tính, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao…
Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến đều cho rằng: Công tác dân số là việc làm khó. Để đạt được chỉ tiêu đề ra, cán bộ chuyên trách dân số không chỉ vận động một lần mà phải đi đến từng hộ dân, vận động người dân hai, ba lần, thậm chí nhiều hơn mới có kết quả. Do đó, cần có một mô hình cụ thể ở tuyến huyện để hoạt động hiệu quả; sau khi sáp nhập, phải tạo được vị thế rất rõ của công tác dân số trong bộ máy tổ chức của trung tâm y tế cấp huyện. Khi sáp nhập cần bố trí tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn tài chính... Mặt khác, khi sáp nhập dân số vào y tế, những cán bộ làm dân số có chuyên môn về y tế dễ bị sử dụng vào công việc của y tế, công tác dân số dễ bị chi phối, lơ là.
Những ý kiến tại buổi làm việc sẽ là cơ sở thực tiễn để Viện Chiến lược và chính sách Y tế tham khảo, đề xuất với Bộ y tế, Chính phủ lựa chọn mô hình dân số thống nhất, phù hợp hoạt động hiệu quả để triển khai trên toàn quốc trong thời gian tới.
Tin, ảnh: VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc