"Về đây đồng đội ơi"!
“Về đây đồng đội ơi
Người chiến sĩ sư đoàn
Hà Giang đã ngưng chiến trận…
Hãy về đồng đội ơi!
Còn nằm khe đá hay thung sâu
Về đây có nhau
Như nguyện ước chiến hào…
Tháng 7 mưa Ngâu, núi rừng Thanh Thủy (Vị Xuyên) thấm đẫm nước mắt tri ân đồng đội. Hàng nghìn người lính, là các cựu chiến binh đã từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc hội tụ về đây để “gọi hồn” đồng đội.
Nhạc sỹ Trương Quý Hải cùng đồng đội hát “Về đây đồng đội ơi” tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên. Ảnh: Đại Tâm |
Một lần trên Đài hương 468, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên); trong làn khói hương mờ ảo, tôi lặng người khi nghe nhạc sỹ Trương Quý Hải và đồng đội ôm nhau, cùng khóc và hát ca khúc “Về đây đồng đội ơi”. Bài hát với giai điệu chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng cắt nhịp đều đặn như nhịp bước chân của đoàn người đang về hội quân. Những ca từ không mô tả chiến tranh, mà nghe nhói đau, xúc động. Các điểm cao, khe đá, thung sâu… đâu đâu cũng có đồng đội các anh đã ngã xuống cho bình yên Tổ quốc. Những đồng đội đã nằm lại mãi mãi khi đang làm nhiệm vụ trên chốt, có lẽ thế mà ngay từ đầu bài hát, nhạc sỹ đã cất lên “Hà Giang đã ngưng chiến trận”, để thông báo với đồng đội của mình rằng chiến tranh đã lùi xa; rằng sự hy sinh anh dũng của các anh đã mang lại cuộc sống yên bình cho người dân miền cực Bắc của Tổ quốc. 35 năm đã trôi qua, màu xanh đã phủ khắp các bản làng biên giới, Hà Giang đã tổ chức nhiều đợt tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, nhưng hàng nghìn người con ưu tú của dân tộc vẫn còn nằm lại giữa điệp trùng rừng núi biên cương.
“Hãy về đồng đội ơi”, ca từ được lặp lại nhiều lần trong ca khúc như khúc tráng ca bi hùng gọi hồn đồng đội. Hãy về đây, vẹn nguyên tình đồng đội “Như lời nguyện ước chiến hào; người lính chiến mãi đôi mươi với điếu thuốc lào, ấm chè chốt, hồn nhiên nụ cười; bạn bè, đồng đội, người thân, ôm nhau nước mắt chan hoà”...
Trong một lần hát cho đồng đội nghe ở Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ: Ông là người lính Sư đoàn 356, chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên. Ngày 12.7.1984, chỉ trong 1 ngày, Sư đoàn 356 đã mất 600 người con ưu tú trong trận chiến đấu giành lại các điểm cao tại Vị Xuyên. Chính nhạc sỹ và các đồng đội đã tự tay khâm liệm cho hàng trăm đồng đội của mình. Ông sáng tác và luôn hát bài hát “Về đây đồng đội ơi” trong nỗi rưng rưng nhớ về những người đồng đội vào sinh ra tử trên chiến trường. Lời ca và giai điệu bài hát mỗi khi cất lên đã chạm được vào cảm xúc nghẹn ngào của người nghe.
Chiến tranh kết thúc, ít lâu sau Sư đoàn 356 giải thể, những người lính trở về, mỗi người một nơi ngược xuôi giữa dòng đời; rồi những hạt phù sa lắng lại, họ đã tìm lại nhau, về chiến trường xưa để tìm hài cốt đồng đội. Họ quyết định kêu gọi quyên góp, ủng hộ xây dựng một Đài hương trên điểm cao 468 để những người đồng đội còn “nằm khe đá, hay thung sâu” có mái ấm sum vầy. Quyết định ấy làm ấm lòng những người đã ngã xuống và trọn vẹn tâm nguyện, nghĩa tình của những người đang sống. Vào tháng 7 hàng năm, Ban liên lạc Sư đoàn 356 tổ chức các cuộc hành quân về thăm lại chiến trường xưa với nhiều hoạt động tri ân đồng đội như: Tổ chức “giỗ trận” vào ngày 12.7 tại Đài hương 468; viếng các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên; thăm hỏi, tặng quà thân nhân, gia đình các thương binh, liệt sỹ; hỗ trợ, giúp đỡ các thương binh, bệnh binh có hoàn cảnh khó khăn…
Bên cạnh đó, thực hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, cùng với các cấp, các ngành, tỉnh ta luôn quan tâm đến công tác “đền ơn, đáp nghĩa”; thực hiện tốt chính sách đối với người có công. Hàng năm, tỉnh tổ chức thăm, tặng quà, chúc tết trên 8.700 lượt người có công với số tiền trên 3 tỷ đồng; tổ chức đưa các đối tượng thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu gặp mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại thành phố Hà Nội; đưa người có công và thân nhân đi điều dưỡng tập trung tại Sầm Sơn (Thanh Hóa); giải quyết chế độ trợ cấp cho hàng trăm đối tượng người có công và thân nhân liệt sỹ; tổ chức lễ cầu siêu, thắp nến tri ân; tặng quà, hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn...
Là người sinh ra trong thời bình, nhưng thông qua những trang sử hào hùng của dân tộc; qua lời kể của những người cựu binh đã từng chiến đấu anh dũng để bảo vệ biên giới; qua những ca từ xúc động, nghẹn ngào của bài hát “Về đây đồng đội ơi”… tôi cảm nhận rõ sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; nơi mà những điểm cao, những địa danh bị dội hàng nghìn tấn bom mìn được gọi bằng những tên rợn người như: “Lò vôi thế kỷ”; “Thung lũng gọi hồn”, “Cửa tử “, “Đồi thịt băm“… Chúng tôi, những người trẻ hôm nay, nguyện phát huy tinh thần yêu nước, lòng biết ơn vô hạn trước công lao to lớn của các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc; phấn đấu hết mình, cống hiến tuổi trẻ, tài năng để tiếp bước cha anh, xây dựng Hà Giang giàu đẹp.
Có một tháng 7 ở Vị Xuyên luôn trong tâm thức những người đồng đội và người dân cả nước. “Về đây đồng đội ơi”! Biên cương hình bóng quê nhà...
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc