Tiếp thêm động lực giúp phụ nữ biên giới vươn lên trong cuộc sống
BHG - Những năm qua, phụ nữ các dân tộc vùng biên giới đã có những đóng góp to lớn trong hoạt động bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ đường biên, mốc giới cũng như phát triển kinh tế ở địa phương; tuy nhiên, hầu hết chị em đều có hoàn cảnh khó khăn. Nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ một phần với họ, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 – 2020; bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực, tiếp thêm động lực cho phụ nữ biên giới vươn lên trong cuộc sống.
Đây là chương trình mang ý nghĩa sâu sắc, thông qua các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ của tổ chức hội; tạo sự đồng thuận, chung tay góp sức của cả cộng đồng cùng hướng về các xã biên giới, đặc biệt là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Thông qua đó, từng bước nâng cao kiến thức về mọi mặt cho phụ nữ các dân tộc vùng biên giới; khơi gợi ý chí vươn lên trong sản xuất, kinh doanh nhằm xóa đói, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chị Giàng Thị Mỷ (người bế con) thôn Tắc Tằng, xã Má Lé (Đồng Văn) trước căn nhà mới. |
Tại tỉnh ta, 5 xã biên giới nằm trong chương trình hỗ trợ, gồm: Xín Cái (Mèo Vạc), Bát Đại Sơn (Quản Bạ), Má Lé (Đồng Văn), Thèn Chu Phìn (Hoàng Su Phì) và Lao Chải (Vị Xuyên). Các xã được nhận sự hỗ trợ về nông cụ (máy thái cỏ); hỗ trợ tiền mua thuốc, cho cô giáo, phụ nữ, học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ con giống (bò, lợn) và xóa nhà tạm. Để huy động nguồn lực cho các hoạt động hỗ trợ, Hội LHPN Việt Nam còn phát động nhắn tin tới đầu số 1409; số tiền thu được từ tin nhắn sẽ hỗ trợ giải quyết các vấn đề tồn tại dai dẳng ở vùng biên giới, như: Nghèo đói, mù chữ, tảo hôn, chăm sóc sức khỏe sinh sản, thiên tai… Với thông điệp đầy nhân văn, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã góp phần rút dần khoảng cách chênh lệch giữa vùng núi và đồng bằng, từng bước giữ gìn, bảo vệ và xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Tại huyện Đồng Văn, xã biên giới Má Lé nhận được sự hỗ trợ trực tiếp từ Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc, gồm: 2 máy tính, tủ sách pháp luật cho Hội Phụ nữ xã cùng nhiều suất quà cho phụ nữ, trẻ em nghèo và 30 suất học bổng cho học sinh nữ có hoàn cảnh khó khăn; xóa 2 nhà tạm cho 2 hội viên nghèo… Đến thăm gia đình chị Giàng Thị Mỷ, thôn Tắc Tằng, xã Má Lé; 3 mẹ con chị Mỷ đang cặm cụi cuốc đất trồng rau bên mảnh vườn nhỏ, niềm vui hiện trên gương mặt khắc khổ của người phụ nữ Mông. Là hội viên nghèo, trước đây, gia đình chị Mỷ gồm 4 người sống trong căn lều được dựng lên bằng những tấm bạt rách chỉ đủ che nắng và những cơn mưa nhỏ. Chị Mỷ tâm sự: Ra ở riêng với đôi bàn tay trắng, 2 vợ chồng chị lam lũ quanh năm nhưng cũng chỉ đủ cho 4 miệng ăn; chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có một căn nhà kiên cố. Khi nhận được sự hỗ trợ với số tiền 50 triệu đồng để xây nhà từ Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ước mơ của cả gia đình đã thành hiện thực. “Có nhà mới, 2 vợ chồng sẽ cố gắng làm việc để mua sắm đồ dùng, nuôi con ăn, học”; chị Mỷ nghẹn ngào. Ngôi nhà mang nặng nghĩa tình của cả cộng đồng đã tiếp thêm sức mạnh, động lực cho gia đình chị Mỷ sớm ổn định cuộc sống.
Chị Lù Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Má Lé, cho biết: Chương trình thực sự có ý nghĩa rất lớn đối với phụ nữ vùng cao. Hiện nay, trên địa bàn xã vẫn còn rất nhiều hộ khó khăn, cần sự giúp đỡ, hỗ trợ từ cộng đồng. Thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ về nhà ở, nông cụ; chị em mong muốn sẽ có được sự hỗ trợ nhiều hơn về con giống hoặc các chương trình xóa mù chữ, đào tạo nghề để chủ động hơn trong cuộc sống…
Với phương châm “Không ai bị bỏ lại phía sau”, qua hơn 1 năm thực hiện, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái mạnh mẽ trong cộng đồng cùng chung tay chăm lo những phụ nữ kém may mắn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều gia đình phụ nữ sống ở vùng biên đã có nhà ở kiên cố, cuộc sống dần ổn định và tập trung vào phát triển kinh tế; đồng thời, sự hỗ trợ còn nâng cao được nhận thức, thay đổi cách nghĩ, cách làm để họ tự tin vươn lên khẳng định bản thân và đóng góp tích cực cho quê hương. Hy vọng, cùng với sự đồng hành của cả cộng đồng, những phụ nữ vùng biên xa xôi sẽ bớt được phần nào những khó khăn, vất vả để họ có thêm động lực trong lao động, sản xuất; từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như trong phát triển KT-XH, củng cố AN-QP nơi “phên dậu” của Tổ quốc.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc