Khó khăn trong tinh giản biên chế ngành Y
BHG - Tinh giản biên chế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm sắp xếp lại đội ngũ cán bộ hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực chất và dành nguồn lực cải cách chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, với ngành Y tế tỉnh ta, đây thực sự là khó khăn, thách thức lớn.
Cán bộ Trạm Y tế xã Lao Và Chải (Yên Minh) khám, chữa bệnh cho người dân. |
Là tỉnh miền núi, biên giới, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn; với gần 90 vạn dân, 19 dân tộc cùng sinh sống, phân bố ở 11 huyện, thành phố; trong đó, có 6 huyện nghèo nhất nước và 1 huyện được ưu tiên hưởng chính sách Chương trình 30a giai đoạn 2018 - 2020; 6 trung tâm hành chính cấp huyện cách tỉnh từ 100 đến 150 km; trung tâm hành chính cấp xã cách huyện xa nhất tới trên 60 km.
Những năm qua, các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương luôn quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ngành Y tế tỉnh; góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tình hình dịch bệnh được giám sát, kiểm soát chặt chẽ, khống chế kịp thời; số giường bệnh và phòng khám đa khoa khu vực đạt 32,6 giường/10.000 dân, đảm bảo việc khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số; công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện công lập đạt 106,3%; hoạt động đào tạo nhân lực của Đề án bác sỹ gia đình và mô hình phòng khám bác sỹ gia đình được triển khai tích cực; có 97,3% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã; bình quân có 10,5 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 99,2%; 100% các xã có bác sỹ; 100% trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sỹ sản nhi; 94,4% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi về cân nặng là 21,6% và chiều cao 34,2%...
Theo đồng chí Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế: Thực hiện mục tiêu đến năm 2021, tinh giản 10% tổng biên chế, ngành Y tế tỉnh đang đứng trước nhiều khó khăn, như: 2 năm qua, ngành Y tế không được tuyển dụng bổ sung, thay thế số cán bộ nghỉ hưu, nghỉ chế độ 108; nhiều bác sỹ, dược sỹ trình độ đại học hệ đào tạo theo địa chỉ sử dụng của tỉnh tốt nghiệp nhưng không được, bố trí làm việc, gây lãng phí nguồn nhân lực; các bệnh viện sau khi thăng hạng, tăng chỉ tiêu giường bệnh nhưng không được tăng số lượng người làm việc; đời sống vật chất của cán bộ y tế thấp, dẫn đến tình trạng nhiều người xin thôi việc, thậm chí bỏ việc… Trong khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao; tỷ lệ dân số hàng năm tăng từ 14 đến 15 nghìn dân; tuyến y tế cơ sở, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu nhân lực, thiếu trình độ chuyên môn cao, khi thực hiện tinh giản biên chế sẽ dẫn đến thiếu cán bộ y tế làm việc ở cơ sở…
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện nay, tổng số công chức, viên chức hợp đồng theo Nghị định 68 của Chính phủ trong ngành Y tế của tỉnh là 4.073 người, công tác ở 34 cơ sở y tế từ tỉnh đến huyện. Theo lộ trình, đến năm 2021 toàn ngành Y tế phải tinh giản 421 biên chế; giai đoạn 2015 đến tháng 5.2019 đã giảm được 142 chỉ tiêu; năm 2019 phấn đầu tinh giản tiếp 100 chỉ tiêu.
Dân số ngày càng tăng, KT – XH ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe nâng lên, trong khi nhân lực cho các ngành này lại phải giảm; điều đó cho thấy, việc thực hiện tinh giản biên chế đồng đều giữa các ngành đặc thù như y tế, giáo dục chưa thực sự phù hợp. Khắc phục tình trạng trên, trước mắt, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng lại Đề án vị trí việc làm của từng đơn vị để sắp xếp phù hợp, đảm bảo đúng người, đúng việc, phù hợp với năng lực, trình độ; linh động trong việc điều động các vị trí việc làm; ổn định tư tưởng đối với cán bộ y tế để yên tâm công tác; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án bác sỹ gia đình và xây dựng mô hình phòng khám bác sỹ gia đình. Đồng thời, tổ chức đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thực chất hơn; từ đó, tinh giản những cán bộ không đáp ứng được chuyên môn, không hoàn thành nhiệm vụ…
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc