Chủ động phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ
BHG - Để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, tỉnh ta đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN), thực hiện nghiêm túc kế hoạch và các phương án đề ra.
Thực tế cho thấy, thiên tai trên địa bàn tỉnh ta luôn diễn biến phức tạp; riêng năm 2018, mưa lũ làm 10 người chết, 6 người bị thương, hơn 3 nghìn ngôi nhà và 44 điểm trường bị ảnh hưởng; hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng; nhiều tuyến đường và công trình phúc lợi bị hư hỏng... tổng thiệt hại ước tính hơn 300 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 15 đợt thiên tai, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai là: Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quản Bạ, Mèo Vạc, Bắc Mê...
Điểm trường thôn Nà Lại, xã Thượng Tân bị tốc mái do dông lốc. Ảnh: CTV |
Để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai, UBND tỉnh đã có công điện về việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai. Theo đó, yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố và các đơn vị quản lý thủy điện khẩn trương, nghiêm túc thực hiện các nội dung về việc PCTT-TKCN. Tổ chức trực ban, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để có thông tin cảnh báo đến người dân; thông tin, báo cáo kịp thời đến Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Văn phòng Ban Chỉ huy và cấp có thẩm quyền về các tình huống đột xuất xảy ra để xử lý kịp thời. Đặc biệt, Sở Giao thông - Vận tải phối hợp với các huyện, thành phố thống nhất phương án khắc phục kịp thời các tuyến đường, đảm bảo giao thông thông suốt…
Cùng với đó, phát huy tối đa phương án “4 tại chỗ”; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, chỉ đạo tốt công tác trực ban. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, các tổ chức KT-XH, lực lượng vũ trang chủ động kiểm tra, rà soát, xác định các vùng, điểm dân cư trọng yếu có nguy cơ cao xảy ra sạt, lở đất, ngập úng... để xây dựng phương án dự phòng. Chỉ đạo tốt việc phòng, chống, cảnh báo và có biện pháp cụ thể tại đơn vị, địa phương để ngăn ngừa các thiệt hại do thiên tai xảy ra, đảm bảo an toàn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Bên cạnh đó, Thủ trưởng các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, Chủ tịch UBND, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN các huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về diễn biến mưa lũ để kịp thời sơ tán, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn. Chuẩn bị lực lượng sẵn sàng ứng cứu người, tài sản tại các khu vực xảy ra thiên tai; xem xét hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại theo chế độ, chính sách hiện hành và điều kiện thực tế của địa phương.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc