Đồng Văn xã hội hóa nguồn vốn xây dựng trường học
BHG - Những năm qua, chất lượng giáo dục và đào tạo ở huyện Đồng Văn đã có những chuyển biến tích cực, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngày một được nâng cấp, đầu tư khang trang, sạch đẹp. Các trường học chính thuộc bậc mầm non, tiểu học và THCS ở trung tâm các xã, thị trấn đã có nhà xây kiên cố, nhiều điểm trường tạm bợ, sập xệ được thay thế bằng nhà bán kiên cố, mái lợp tôn. Để có được những thành quả đó, ngoài sự đầu tư xây dựng của nhà nước qua chương trình kiên cố hóa trường lớp học, huyện Đồng Văn đã huy động các nguồn lực, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà thiện nguyện trong và ngoài tỉnh hỗ trợ huyện xây dựng các trường học, điểm trường, đáp ứng nhu cầu học tập của con em đồng bào các dân tộc.
Công trình trường Tiểu học xã Tả Lủng (Đồng Văn) được xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. |
Đồng chí Hoàng Văn Thịnh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Trước khó khăn về chính sách thắt chặt đầu tư công của Chính phủ, quan điểm của huyện Đồng Văn là dành vốn ngân sách đầu tư xây dựng các công trình có tính cấp thiết, phục vụ trực tiếp nhu cầu đời sống người dân; cùng đó là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước; quan tâm khai thác nguồn vốn xã hội hóa, huy động trong dân, doanh nghiệp để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, trường học phục vụ sự nghiệp phát triển KT - XH của huyện.
Đặc biệt, trong xây dựng các trường học, điểm trường, huyện luôn khuyến khích thực hiện theo hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình thủ tục theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn do ngân sách tỉnh giao cho huyện làm chủ đầu tư đến các công trình do các tổ chức, cá nhân tài trợ, hỗ trợ, từ đó khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu đồng bộ và kém hiệu quả.
Với sự năng động, linh hoạt trong huy động, sử dụng các nguồn vốn khác nhau từ năm 2017 đến nay đã có nhiều công trình trường học xây kiên cố được các đơn vị, công ty, doanh nghiệp của Trung ương và Thủ đô Hà Nội hỗ trợ xây dựng. Tiêu biểu phải kể đến như: Công trình Trường Mầm non xã Ma Lé được huyện Thanh Trì - đơn vị kết nghĩa với huyện Đồng Văn hỗ trợ xây dựng nhà lớp học 2 tầng 6 phòng học và các hạng mục phụ trợ khác như sân bê - tông, nhà vệ sinh, cổng, tường rào, rãnh thoát nước với tổng mức xây dựng trên 9,6 tỷ đồng. Công trình Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Lũng Cú được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tài trợ cùng với nguồn vốn khác đã xây mới nhà lớp học 3 tầng, cải tạo dãy nhà lớp học 2 tầng với 14 phòng học có tổng mức đầu tư 9,4 tỷ đồng. Công trình Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Sủng Là do Ngân hàng Agribank Việt Nam tài trợ và từ nguồn vốn khác đầu tư xây dựng nhà lớp học 3 tầng 12 phòng học với tổng mức đầu tư trên 7,2 tỷ đồng... Ngoài ra, các nhà hảo tâm, tổ chức từ thiện cũng đã hỗ trợ đầu tư xây dựng, lắp ghép được hơn 10 điểm trường học bậc mầm non, tiểu học tại các xã Vần Chải, Phố Cáo, Sủng Là, Sảng Tủng, Tả Lủng… với tổng số tiền hàng tỷ đồng.
Từ kết quả trong việc huy động các nguồn vốn, tận dụng sự giúp đỡ, hỗ trợ của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức thiện nguyện, đến nay huyện Đồng Văn đã cơ bản giải quyết được bài toán xóa trường, lớp học tạm bợ. Hàng năm vào dịp khai giảng năm học mới nhiều tổ chức, cá nhân thiện nguyện cũng đã tổ chức các đoàn lên thăm, trực tiếp trao tặng cho các trường học, điểm trường những món quà ý nghĩa như tặng sách, vở, trang thiết bị dạy học, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cho các em học sinh tại các trường bán trú, nội trú dân nuôi, qua đó giúp các em học sinh của huyện có thêm điều kiện học tập.
Với chủ trương từng bước hoàn thiện hệ thống trường, lớp học theo hướng cứng tường, bền mái, trong thời gian tới huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp, tập đoàn, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh theo điều kiện cụ thể để hỗ trợ huyện xây mới thêm các điểm, trường học, cùng đó là huy động sự đóng góp ngày công của người dân trong việc sửa chữa nâng cấp, quản lý các công trình đã xây dựng, đảm bảo việc sử dụng được lâu dài, phục vụ cho sự nghiệp trồng người ở huyện.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc