Đào tạo nghề theo địa chỉ hướng đi bền vững
BHG - Đào tạo nghề theo địa chỉ là hình thức phối hợp đào tạo giữa các địa phương, cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, HTX, tổ chức… có nhu cầu sử dụng lao động. Sau khi học xong, lao động được bố trí việc làm ngay tại các đơn vị tuyển dụng theo đúng năng lực, sở trường, kiến thức và trình độ đào tạo.
Người lao động huyện Vị Xuyên tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Hội chợ tư vấn, giới thiệu việc làm. |
Trước đây, việc đào tạo cơ bản được thực hiện theo chương trình đào tạo có sẵn; người học sau khi kết thúc đào tạo khó kiếm được việc làm phù hợp; bên cạnh đó, một số sinh viên thất nghiệp vì thiếu kỹ năng; doanh nghiệp tuyển dụng phải bỏ thêm chi phí đào tạo lại trước khi sử dụng lao động. Vì vậy, giải quyết việc làm sau đào tạo nghề (đặc biệt là cho lao động nông thôn) là một trong những “bài toán” khó, đòi hỏi các địa phương, cơ sở đào tạo phải có giải pháp thiết thực, đúng hướng; trong đó, việc các địa phương, cơ sở đào tạo phối hợp với doanh nghiệp đào tạo lao động theo yêu cầu được đánh giá là giải pháp mang lại hiệu quả bền vững.
Toàn tỉnh hiện có 14 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường Trung cấp, 9 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục và 1 cơ sở có tham gia giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp, việc làm và an toàn lao động; nâng cao chất lượng đào tạo nghề giai đoạn 2016 – 2020, các địa phương, cơ sở đạo tạo đã tích cực khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động và tìm hiểu thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp; từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo; phối hợp, liên kết với doanh nghiệp đưa ra chương trình đào tạo cụ thể, phù hợp. Việc liên kết với các, doanh nghiệp sẽ giúp người lao động an tâm học nghề; lao động sau đào tạo sẽ có trình độ, tay nghề vững vàng, đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, có việc làm ổn định.
Hiện nay, Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh đang phối hợp đào tạo với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật - Việt; các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Bắc Mê, Quang Bình ký thỏa thuận đào tạo với Trường Cao đẳng Than, khoáng sản Việt Nam. Năm 2018, có 300 lao động học hệ Trung cấp và sơ cấp tại Trường Cao đẳng Than, khoáng sản Việt Nam; kết thúc khóa học sẽ được bố trí việc làm phù hợp với mức thu nhập khá. Bên cạnh đó, trong năm, các cơ sở đào tạo nghề chủ trì phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, Hội Người khuyết tật tỉnh đào tạo 27 lớp cho trên 860 người theo đơn đặt hàng. Các nghề đào tạo gồm: Kế toán hợp tác xã; quản trị hợp tác xã; đan lát thủ công; trồng đậu tương, lạc; dịch vụ nhà hàng; chế biến món ăn; trồng dược liệu... Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, công tác giải quyết việc làm cho người lao động đạt nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho trên 19.780 lao động, đạt 121% kế hoạch; trong đó có 9.843 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp ngoài tỉnh. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước đã đến Hà Giang tuyển dụng lao động hoặc liên kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm để tuyển dụng, như: Sam Sung, Canon, Bujeon, Tập đoàn may, Công ty may Tinh Lợi... với nhu cầu tuyển dụng lớn, tạo cơ hội cho người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp, thu nhập ổn định.
Giám đốc Sở Lao động - TBXH Sùng Đại Hùng cho biết: “Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành chức năng và các địa phương rất quan tâm. Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ giáo viên… tỉnh đang chú trọng đào tạo các ngành, nghề đáp ứng nhu cầu thị trường; mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để liên kết đào tạo và đào tạo nghề theo đơn đặt hàng. Đây là hướng đi bền vững giúp người lao động yên tâm học tập và có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo ở địa phương”.
Việc liên kết đào tạo nghề theo địa chỉ hiện nay tuy đã có những tín hiệu mừng, nhưng vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng lao động được đào tạo theo đặt hàng chưa nhiều; nhiều lao động ngại đi làm ăn hoặc bỏ dở công việc; sự liên kết giữa địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp và người lao động chưa thường xuyên và chặt chẽ. Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; các cấp, các ngành và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt; tạo bứt phá, đổi mới trong đào tạo và liên kết đào tạo; mở ra nhiều cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người lao động.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc