Tăng cường phòng, chống dịch bệnh mùa Hè
BHG - Vào thời điểm giao mùa, đặc biệt là những ngày nắng nóng là môi trường thuận lợi cho các bệnh dịch phát sinh trên người như: Rubela, thủy đậu, sốt phát ban, sốt rét và đặc biệt là bệnh sởi. Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong quý I, toàn tỉnh ghi nhận gần 150 trường hợp nghi mắc sởi, thủy đậu tại thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và Quang Bình…
Trẻ em được tiêm phòng vắc xin 4 trong 1 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. |
Nhằm thực hiện và đảm bảo tốt việc phòng, chống các bệnh trên người vào mùa cao điểm, UBND tỉnh và Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, hướng dẫn triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh. Sở Y tế tổ chức các lớp tập huấn cho lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Bệnh viện Đa khoa tuyến huyện về công tác tuyên truyền, phòng, chống bệnh sởi. Ban Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh ở người. Cùng với đó, Ban Chăm sóc sức khỏe của 11 huyện, thành phố đã triển khai công tác tuyên truyền kết hợp kiểm tra tại các cơ sở và trường học trên địa bàn…
Nói về công tác phòng, chống dịch bệnh trên người, đồng chí Nguyễn Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Trước những diễn biến phức tạp và dao động hàng năm về các loại bệnh dịch, UBND tỉnh và Sở Y tế đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở; qua đó, giúp các cấp chính quyền và nhân dân nâng cao nhận thức, cách phòng, tránh khi mắc bệnh. Để hạn chế thấp nhất các rủi ro, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế duy trì tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh truyền nhiễm cho trẻ; bổ sung các loại vắc-xin cho trẻ dưới 5 tuổi tại 3 huyện có nguy cơ cao như: Hoàng Su Phì, Yên Minh, Mèo Vạc. Tổ chức tiêm vắc-xin viêm não Nhật Bản đợt 1 cho trẻ từ 1 – 3 tháng tuổi; tiếp tục rà soát trẻ từ 1 – 5 tuổi chưa được tiêm vắc - xin sởi - rubela để tổ chức tiêm vét…”.
Trung tâm đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiếu số ca, số người mắc bệnh. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua các trang thông tin điện tử, tuyên truyền lưu động. Duy trì thực hiện theo quy trình kiểm dịch Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Vị Xuyên) và Đô Long (Xín Mần) nhằm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan. Rà soát lại thuốc và lập kế hoạch kịp thời mua bổ sung, mua vắc-xin dại để tiêm miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi và người nghèo trên địa bàn tỉnh. Các bệnh viện xây dựng phương án cách ly, điều trị, phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm. Có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế, Thú y trong xây dựng chương trình tuyên truyền phòng, chống bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người.
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong quý I, đơn vị tiếp nhận 66 ca mắc thủy đậu, 15 ca sởi và 51 ca quai bị. Theo bác sĩ Đỗ Văn Nghĩa, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Các loại bệnh truyền nhiễm trên người thường diễn ra vào thời điểm giao mùa; cao điểm, vào khoảng tháng 4, tháng 5 hàng năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 ca/ngày…”. Trước những diễn biến đó, các bác sỹ chuyên khoa, ngành Y tế khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng như: Sốt, ho, viêm đường hô hấp kéo dài, nổi mụn, phỏng nước… bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Đồng thời, cần biết cách tự phòng bệnh tại nhà, đặc biệt là cho trẻ nhỏ uống đủ nước, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh để bị sốc nhiệt…
Bài, ảnh: Hoàng Yến
Ý kiến bạn đọc