Các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi
1. Khi bệnh Dịch tả lợn Châu Phi chưa xảy ra
1.1. Kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật ở các cấp theo Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống DTLCP; phân công địa bàn, nhiệm vụ và gắn trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác phòng dịch (tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, báo cáo dịch bệnh,....).
1.2. Tổ chức kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn, sản phẩm lợn vào địa bàn. Cụ thể: Trạm Kiểm dịch động vật Vĩnh Tuy thực hiện kiểm soát chặt chẽ nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp, tuyệt đối không để lợn, sản phẩm của lợn không có kiểm dịch hoặc ở vùng có dịch vào địa bàn.
1.3. Thành lập Tổ công tác, Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp để kiểm tra công tác chủ động phòng chống bệnh DTLCP tại các địa phương và kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn trên địa bàn, thực hiện lấy mẫu theo quy định.
1.4. Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về diễn biến, tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội.
1.5. Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm; lợn giết mổ phải có nguồn gốc rõ ràng, thực hiện cách ly lợn ốm và lấy mẫu khi có lợn nghi mắc bệnh; phun hóa chất khử trùng ngay sau mỗi ca giết mổ và cuối buổi chợ, cuối ngày đối với khu vực buôn bán động vật, sản phẩm động vật tại các chợ.
1.6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thành lập các Tổ giám sát dịch bệnh tại thôn, xóm để giám sát, theo dõi, báo cáo về tình hình chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh tại địa bàn hàng ngày về Ủy ban nhân dân xã. Khi có lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân hoặc nghi mắc bệnh DTLCP người chăn nuôi, tổ giám sát phải báo ngay cho nhân viên thú y, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan Thú y nơi gần nhất để kịp thời kiểm tra, xác minh và xử lý ổ dịch theo quy định.
1.7. Uỷ ban nhân dân cấp xã hướng dẫn chủ vật nuôi thường xuyên thực hiện việc vệ sinh, sát trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất, từ hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn ra các khu vực xung quanh, nơi có nguy cơ cao; tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; vệ sinh, sát trùng người và phương tiện vận chuyển; có biện pháp ngăn chặn các loại chim, côn trùng, loài gậm nhấm có thể mang mầm bệnh từ bên ngoài vào; tổ chức ký cam kết với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ lợn thực hiện 5 “không”, gồm: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thủ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra ngoài môi trường; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.
1.8. Bố trí sẵn sàng kinh phí, vật tư, dụng cụ, hóa chất để chủ động ngăn chặn, phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó với tình huống dịch xảy ra. Chủ động phương án giết mổ tại chỗ để giết mổ lợn trong vùng dịch (khi có nhu cầu), quỹ đất tiêu hủy lợn mắc bệnh khi có dịch xảy ra.
2. Khi phát hiện dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
2.1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ đề nghị của Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện Quyết định công bố dịch khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 điều 26 Luật Thú y và dịch bệnh xảy ra trong phạm vi huyện.
2.2. Đối với cấp xã: Thành lập các Tổ công tác như tổ tiêu hủy; chốt chặn; giám sát dịch, thông kê đàn, tuyên truyền; tiêu độc khử trùng và tổ phản ứng nhanh để thực hiện các biện pháp chống dịch;
2.3.Thành lập các chốt ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm lợn và thực hiện phun tiêu độc khử trùng các phương tiện ra vào vùng dịch
2.4. Giao ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo các thành viên ban chỉ đạo, các lực lượng chức năng của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau:
- Khoanh vùng ổ dịch và thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng.
+ Ổ dịch là trại, các trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn trong 01 đơn vị cấp xã nơi phát hiện có mẫu dương tính với vi rút dịch tả lợn Châu Phi.
+ Vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
+ Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 01 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
+ Vùng đệm: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc với tần suất 01 lần/tuần liên tục trong vòng 1 tháng kể từ khi có ổ dịch.
- Xử lý động vật bệnh trong vùng dịch
+ Đối với các hộ (trại) lần đầu tiên phát hiện lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì tiêu huỷ toàn bộ đàn lợn mắc bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP.
+ Đối với các hộ (trại) khác trong cùng địa phương cấp thôn có dịch bệnh, tiêu hủy toàn đàn có lợn biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh DTLCP hoặc lợn chết không rõ nguyên nhân và xử lý ổ dịch theo quy định; không cần thiết phải lấy mẫu xét nghiệm xác định vi rút DTLCP.
+ Kỹ thuật, phương pháp tiêu huỷ theo hướng dẫn ngành chuyên môn.
- Tăng cường kiểm tra việc mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn theo quy định; nghiêm cấm việc buôn bán và vận chuyển lợn ra, vào vùng có ghi nhận lợn bệnh dịch tả lợn Châu phi.
- Thực hiện báo cáo về Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT và hàng ngày cập nhập thông tin báo cáo đột xuất.
- Về quản lý chăn nuôi, an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch
+ Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt.
+ Định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hằng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn. Các nội dung cụ thể về việc vệ sinh, khử trùng tiêu độc được mô tả chi tiết tại phụ lục kèm theo.
+ Thời điểm tái đàn sau dịch: 30 ngày kể từ khi tiêu hủy lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.
2.5. Hỗ trợ người chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy
Thực hiện hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính Phủ như sau:
- Hỗ trợ cho chủ vật nuôi gồm: Các hộ chăn nuôi, chủ trang trại, gia trại, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi lợn (trừ các hộ chăn nuôi lợn liên doanh, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp và doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh) có lợn mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh động vật lây lan, kể cả khi xuất hiện dịch bệnh nhưng chưa được công bố dịch theo quy định của pháp luật, cụ thể:
- Đối với lợn con, lợn thịt các loại: Hỗ trợ với mức 80% giá thị trường tại thời điểm tiêu hủy và tại các huyện, thành phố có dịch bệnh, giá lợn do cơ quan Tài chính thông báo.
- Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác: Hỗ trợ với mức bằng 1,5 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm tiêu hủy và tại địa phương có dịch bệnh.
Theo Tài liệu tuyên truyền do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cung cấp
[links()]
Ý kiến bạn đọc